Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng thực vật lên khả năng tạo chồi và rễ in vitro cây oải hương (Lavandula dentata)
Cây oải hương (Lavandula dentata) là loài cây có giá trị kinh tế cao, vừa được trồng
làm cây cảnh, vừa được dùng làm hương liệu và thảo dược. Tinh dầu oải hương có tác dụng
xua đuổi côn trùng, làm thuốc an thần và có hoạt tính kháng khuẩn.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Anh Thoa, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trần Hoài Nam (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cùng thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của nồng độ BA (Benzyl adenine) và NAA (Naphthylacetic acid) lên khả năng tạo chồi và rễ của cây Lavandula dentata in vitro.
Sau 6 tuần nuôi cấy in vitro, kết quả cho thấy môi trường MS (Murashige and Skoog) có bổ sung 1,5 mg/L BA thích hợp cho khả năng hình thành chồi từ đoạn thân chứa mắt ngủ. Sau đó, các mẫu cấy này được cấy chuyền sang môi trường MS có bổ sung 0,75 mg/L BA thích hợp cho quá trình tăng sinh chồi. Các chồi trưởng thành cấy chuyền sang môi trường MS bổ sung 0,75 mg/L NAA thích hợp cho quá trình tạo rễ cây oải hương và cho tỷ lệ sống cao (78,89%) khi đưa ra vườn trên giá thể xơ dừa. Đây là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ phối hợp giữa auxin và cytokinin lên khả năng tạo chồi và rễ nhằm nâng cao hiệu quả của quy trình vi nhân giống Lavandula dentata.
Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm (pcmy)