VINATOM: Tạo nguồn nhân lực và môi trường thuận lợi cho nghiên cứu
Để có thể triển khai những nhiệm vụ lớn, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cần phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu giỏi, trong đó có những chuyên gia “có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học thế giới thông qua các công bố quốc tế được trích dẫn” như mong mỏi của giáo sư Phạm Duy Hiển.
Đoàn cán bộ của VINATOM làm việc về kế hoạch hợp tác trong đào tạo nhân lực với Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (Nga). Nguồn: JIRN.
Trong hai cuộc họp lớn của VINATOM diễn ra vào ba ngày liên tiếp từ 20 đến 22/12/2018 là phiên họp Hội đồng khoa học và lễ tổng kết hoạt động năm 2018, triển khai kế hoạch 2019, vấn đề xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập đến một cách đặc biệt. Đây cũng là quan điểm mà TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM, từng chia sẻ trên Tia Sáng năm 2015: “Nhìn rộng ra, họ chính là tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước. Nếu chúng ta không có cách làm đúng, không thu hút được đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực thì có thể không bao giờ có được đội ngũ như vậy”.
Xây dựng đội ngũ nghiên cứu và nhóm nghiên cứu
Một vài năm trở lại đây, vấn đề nhân lực nghiên cứu trở thành một vấn đề “sát sườn” với VINATOM, khi nhiều cán bộ nghiên cứu giàu kinh nghiệm đã bước vào tuổi nghỉ hưu trong khi một số cán bộ trẻ phần vì tạm dừng chương trình phát triển điện hạt nhân, phần vì “ngợp” trước những yêu cầu ở trình độ cao của ngành năng lượng nguyên tử đã chuyển sang lĩnh vực khác. Do đó, trong buổi lễ công bố VINATOM là tổ chức KH&CN đặc biệt vào tháng 2/2016, giáo sư Phạm Duy Hiển – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – đã nhấn mạnh đến “vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người”, yếu tố mà ông cho là mang tính quyết định để thực hiện năm bước có khả năng tạo ra đột phá, đủ sức đưa VINATOM lên tầm Đông Nam Á: xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân mới 15 MW; đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm; nghiên cứu nhiều về phát tán phóng xạ bằng phương pháp mới; xác định những hướng nghiên cứu cần thiết với Việt Nam về vật liệu hạt nhân; đẩy mạnh nghiên cứu về hạt nhân với việc chế tạo ra thiết bị ứng dụng trên quy mô công nghiệp.
Tiếp nối ý tưởng đó, trong lễ tổng kết ngày 22/12, giáo sư Phạm Duy Hiển đã nhìn lại quá trình “40 năm lặn lội với ngành hạt nhân” của mình và điểm những gương mặt “đã gồng gánh ngành hạt nhân” cùng với ông trong những năm qua như PGS. TS Nguyễn Thị Điền, GS. TS Đào Tiến Khoa, ThS Trần Khắc Ân, PGS. TS Trần Quốc Dũng, TS. Phan Sơn Hải, kỹ sư Vũ Tiến Hà, TS Nguyễn Hào Quang… Mặc dù đánh giá họ đã làm được nhiều việc cho ngành nhưng ông cho rằng, vẫn có những việc họ cần phải làm tốt hơn, đó là đào tạo ra các nhà khoa học hạt nhân giỏi, đặc biệt là khoa học hạt nhân thực nghiệm vì “chúng ta còn có quá ít các nhà khoa học thực nghiệm”.
Do vậy, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, giải pháp lớn nhất trong thời điểm này là “bằng mọi cách tuyển được những người có trình độ cao về Viện và tập trung đào tạo ngay trong Viện những nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc”, trên cơ sở đó “xây dựng được các nhóm nghiên cứu khoa học lớn” để có khả năng làm được những vấn đề lớn. Khi hình thành được đội ngũ nghiên cứu mạnh ở các viện thành viên, VINATOM “cần giảm dần báo cáo của các đơn vị để chuyển sang báo cáo của các nhóm và các hướng nghiên cứu ưu tiên trong các hội nghị của hội đồng khoa học Viện. Chúng ta cần tranh luận với nhau những vấn đề đó về mặt khoa học để làm sao trong 5 hay 10 năm tới, thế hệ sau của chúng ta cũng có thể tạo ra được những đỉnh cao về khoa học, đặc biệt về lĩnh vực khoa học hạt nhân”.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo VINATOM đã tìm nhiều cách thu hút cán bộ trẻ có năng lực nghiên cứu từ nhiều đơn vị ngoài Viện, bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng ở các viện thành viên, đồng thời cử một số cán bộ của Viện theo học chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, sau tiến sỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga… Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trong lễ tổng kết cũng nhận xét về xu thế này của VINATOM: “Một vài năm trở lại lại đây, VINATOM đã mời gọi nhiều nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hay một số nhà nghiên cứu trẻ từ nước ngoài trở về. Đây là một chính sách nên được tiếp tục áp dụng vì chúng ta bắt đầu triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân quốc gia (RCNEST)”.
Cách thức xây dựng năng lực
Năm 2019, VINATOM sẽ phải thực hiện nhiều dự án và nhiệm vụ lớn đòi hỏi rất cao về năng lực chuyên môn và quản lý như Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân quốc gia, Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Trung tâm hợp tác IAEA về quản lý tài nguyên nước và môi trường, Cơ sở nghiên cứu của Viện tại Đà Nẵng…, trong đó RCNEST được Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá “là bài toán trước mắt nhưng cũng là lâu dài, bài toán của ngành nhưng cũng là bài toán của đất nước”.
Để có được năng lực thực hiện những nhiệm vụ đó, VINATOM đã có những bước chuẩn bị mang tính chiến lược từ nhiều năm, không chỉ về nhân lực mà còn về cách thức tổ chức, triển khai nhiệm vụ.“Bắt đầu từ năm 2013, mỗi năm Viện đều hướng các hoạt động theo một chủ đề để anh em hướng đến mục tiêu đó”, theo TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng VINATOM. Đó là một lộ trình đã được lãnh đạo Viện xác định một cách cụ thể và tạo được sự kết nối giữa các năm: Xác định hướng nghiên cứu ưu tiên (năm 2013), Đào tạo nguồn nhân lực (năm 2014); Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng (năm 2015); Làm việc nhóm (năm 2016); KH&CN đi cùng doanh nghiệp (năm 2017); Phát triển bền vững dựa vào KH&CN (năm 2018); và KH&CN hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội (năm 2019).
Những thành tích VINATOM đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018 với 48 công bố trên các tạp chí ISI, cũng như doanh thu đạt gần 290 tỷ đồng từ hoạt động ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong sản xuất, dịch vụ chiếu xạ, an toàn bức xạ, dịch vụ phân tích môi trường, sản xuất đồng vị phóng xạ, dịch vụ đánh giá không phá hủy (NDT)…, cho thấy hiệu quả của những bước chuẩn bị đó. PGS. TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ (Bộ KH&CN) và là người nhiều năm từng làm việc tại Viện KH&KT hạt nhân, nhận xét, “những thành tích đó cho thấy VINATOM có sự dịch chuyển từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng và tăng cường chất lượng công bố”, và “các cán bộ trẻ ở Viện KH&KT hạt nhân, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) đã dần trưởng thành và phát huy được năng lực”.
Mong ước về một đội ngũ nghiên cứu tốt của giáo sư Phạm Duy Hiển đã phần nào thành hiện thực: trong một vài năm gần đây, dưới sự dẫn dắt của các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm như GS. Đào Tiến Khoa, TS. Trịnh Văn Giáp…, một số nhóm nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, đánh giá tác động môi trường của phóng xạ, sinh học phóng xạ, vật liệu phóng xạ… ở các đơn vị thành viên của VINATOM đã bắt đầu trở thành những nhóm có nhiều công bố quốc tế được xuất bản trên các tạp chí ISI có hệ số ảnh hưởng cao như Physics Review Letter, Physics Review B, C, Journal of Environment Radioactivity, Journal of Radionalytical and Nucear Chemistry… và một số nhà nghiên cứu trẻ đã bắt đầu đủ sức tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế lớn về thực nghiệm hạt nhân.
Môi trường làm việc bài bản và có định hướng này không chỉ giúp các cán bộ trẻ có được những nghiên cứu tốt và công bố chất lượng cao mà còn khuyến khích họ mạnh dạn áp dụng cách nghĩ, cách làm mới trong hoạt động triển khai. Đó là điều anh Trần Ngọc Vượng đã áp dụng khi được giao phụ trách Trung tâm ứng dụng công nghệ (Viện Công nghệ xạ hiếm) trong năm 2018. Tại lễ tổng kết, anh chia sẻ: cách làm cũ có thể giữ được sự tăng trưởng bền vững nhưng muốn phát triển cần thay đổi. Do đó, anh và các thành viên của Trung tâm đã cải tiến các công đoạn sản xuất, đưa những kết quả đề tài, dự án nghiên cứu khoa học vào để tăng hiệu suất, chất lượng sản phẩm kẽm, và vừa bán sản phẩm vừa tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Qua bước đầu triển khai công việc tại Trung tâm, anh nhận thấy, “cán bộ trẻ của Viện đang hoạt động trong môi trường tương đối thuận lợi” và mặc dù có những trở ngại ở đây đó do các thông tư, nghị định còn có một số vướng mắc trong thực tiễn nhưng “cán bộ trẻ cần hết mình với công việc chứ không chờ đến lúc nhà nước tạo điều kiện tốt. Chúng ta cần thay đổi những cách nghĩ này”.
Nhiệm vụ nghiên cứu năm 2019
Nghiên cứu cơ bản, xây dựng tiềm lực về công nghệ và an toàn điện hạt nhân
Tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh có uy tin về lĩnh vực khoa học hạt nhân, vật lý hạt nhân, vật lý neutron, vật lý lò phản ứng, hóa học và sinh học phóng xạ…; tham gia các nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân và phản ứng hạt nhân trên các thiết bị lớn của các trung tâm nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Duy trì và củng cố năng lực nghiên cứu, triển khai về công nghệ, thiết kế, an toàn điện hạt nhân, trước mắt tập trung vào các công nghệ nước nhẹ tiên tiến (lò phản ứng của Trung Quốc), lò công suất nhỏ SMRs, lò hạt nhân trên các phương tiện nổi, xây dựng năng lực phân tích an toàn, tính toán mô phỏng dòng chảy thủy nhiệt, phân tích sự cố, đánh giá rủi ro…; tính toán diễn biến sự cố giả định có thể xảy ra với một số nhà máy điện hạt nhân gần Việt Nam.
Nâng cao năng lực thiết kế và khai thác hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu: nghiên cứu về công nghệ lò phản ứng nghiên cứu nhằm phục vụ nâng cao năng lực thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới của Viện; tăng cường các hướng tính toán các đặc trưng của neutron, thủy nhiệt và phân tích an toàn lò phản ứng và nghiên cứu khai thác ứng dụng lò nghiên cứu.
Quan trắc phóng xạ, đánh giá tác động môi trường và ứng phó sự cố; Xây dựng và hoàn thành sớm Mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, xây dựng đội ngũ, năng lực mô phỏng tính toán phát tán phóng xạ qua không khí và nước nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố phát tán phóng xạ, hạt nhân trên toàn quốc…
Nghiên cứu định hướng ứng dụng
Triển khai thực hiện các đề tài nhà nước, đề tài chương trình KC.05/16-20 “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong các ngành KT-KT”, các nhiệm vụ KHCN cấp bộ 2019.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực trong quản lý, chế biến quặng phóng xạ và nguyên tố hiếm, phối hợp với doanh nghiệp mở rộng nghiên cứu và xử lý một số quặng đa kim, nghiên cứu thử nghiệm phương pháp trao đổi ion sang lĩnh vực làm sạch, thu hồi kim loại.
Các nhiệm vụ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế tập trung vào phòng chuẩn, hoàn thiện và đưa vào vận hành phòng chuẩn liều bức xạ neutron; thiết lập phòng chuẩn liều bức xạ gamma ở mức xạ trị sử dụng nguồn co-60…
Về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, môi trường: nghiên cứu và triển khai ứng dụng kỹ thuật trong dầu khí, than, xi măng, khai khoáng, ngành công nghiệp hóa chất, chế tạo máy; phát triển các hướng truyền thống như đánh dấu, soi chụp cắt lớp bằng tia bức xạ, thử nghiệm các phương pháp mới, chế tạo một số đầu dò điện từ trường mới tích hợp…; phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất phân bón, chế biến thức ăn gia súc, chế phẩm bảo vệ thực vật…
Năm 2018, VINATOM đã có sự tăng trưởng trong các hoạt động nghiên cứu và triển khai. Về nghiên cứu, VINATOM có 56 công bố quốc tế, trong đó có 48 công bố trên các tạp chí ISI, tăng 11 công trình so với năm 2017. Nhiều công trình được xuất bản trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao như Physics Review Letter, Physics Review B, Physics Review C... Ngoài ra, Viện còn có 1 bằng sáng chế do Viện Sở hữu trí tuệ liên bang Nga cấp về phương pháp tổng hợp vật liệu hấp thụ composite từ tính (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) và 1 giải pháp hữu ích về Quy trình chiết dung môi để tách loại đồng thời urani và thori ra khỏi dung dịch thủy luyện tinh quặng đất hiếm (Viện Công nghệ xạ hiếm).
Về các hoạt động triển khai, Viện đã đạt tổng mức doanh thu gần 290 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017, trong đó nhiều nhất từ dịch vụ chiếu xạ (hơn 68 tỷ đồng), dịch vụ an toàn bức xạ (gần 20 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm kẽm (120 tỷ đồng), sản xuất đồng vị phóng xạ (hơn 27 tỷ đồng)…
|