SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sóng não cản những ý nghĩ thông thường để giúp tư duy sáng tạo hơn

[10/01/2019 09:01]

Não người cần ngăn cản những ý tưởng hiển nhiên để đạt tới những ý tưởng sáng tạo nhất, theo các nhà khoa học Anh.

Sử dụng EEG và tACS trong phòng thí nghiệm để kích thích sáng tạo| Ảnh: ĐH London Queen Mary.

Sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải vượt thoát khỏi những ý nghĩ thông thường. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về cách quá trình này xảy ra trong não. 

Một nghiên cứu mới được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy sóng não đóng vai trò quan trọng trong việc ức chế các kiểu tư duy theo thói quen, mở đường cho việc tiếp cận các ý tưởng lạ lẫm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các sóng não này, cụ thể là sóng Alpha (8 – 13 Hz) ở bán cầu não phải, tăng lên khi con người cần chặn những liên tưởng lầm lạc trong các công việc đòi hỏi sự sáng tạo.

Những giải pháp hiển nhiên này xuất hiện trong cả Tư duy hội tụ (khả năng tìm câu trả lời “đúng” cho những câu hỏi chuẩn mực, không đòi hỏi phải sáng tạo) và Tư duy phân nhánh (đòi hỏi phải đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo cho một câu hỏi hoặc vấn đề). Sóng não Alpha ở tần số cao hơn cho phép con người nghĩ ra những ý tưởng khác xa với những ý tưởng thông thường hay đã quá quen thuộc.

Kích thích tư duy sáng tạo

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng kích thích phần thùy thái dương phải theo tần số Alpha sẽ làm tăng khả năng ức chế các ý tưởng đơn giản trong cả hai loại tư duy sáng tạo nói trên.

Điều này được chứng minh bằng cách truyền một dòng điện vào não thông qua kỹ thuật không xâm lấn gọi là Kích thích xuyên sọ bằng dòng điện xoay chiều (Transcranial alternating current brain stimulation - tACS), vốn không gây ra hoặc gây ra ít phản ứng phụ hay tác động đến cảm xúc.

Các phát hiện này đưa ra gợi ý để hiểu về quá trình sáng tạo và mở ra những cách tiềm năng để tác động đến quá trình sáng tạo, bao gồm việc sử dụng can thiệp tACS.

Tiến sĩ Caroline Di Bernardi Luft, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Queen Mary London (Anh) nói: “Nếu muốn tìm ra công dụng mới cho một chiếc cốc, trước tiên chúng ta phải ức chế những kinh nghiệm đã có dẫn đến suy nghĩ rằng chiếc cốc là một vật chứa. Điểm mới trong nghiên cứu của chúng tôi là việc chứng minh được rằng dùng sóng alpha ở thùy thái dương bên phải là một cơ chế thần kinh quan trọng để ghi đè lên các liên tưởng hiển nhiên, nó giúp chúng ta chủ động phá vỡ các bức tường rào.”

Giám sát não bộ

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh cơ chế thần kinh chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo bằng cách theo dõi hoạt động điện của não thông qua điện não đồ (EEG), phương pháp thu nhận tín hiệu điện thông qua các cảm biến nhỏ đặt trên đầu. Sử dụng tACS cũng cho phép nhóm nghiên cứu thăm dò vai trò tác nhân của các loại sóng.

Các thí nghiệm mà nhóm nghiên cứu thực hiện đã xem xét cách bộ não giải quyết một loạt các nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo như tìm từ liên quan với nhau. Ví dụ: mỗi khi chúng ta tìm kiếm các khái niệm liên quan đến một từ, chúng ta thường bắt đầu từ các từ có mức độ liên quan gần nhất tới các từ ít liên quan hơn (ví dụ: mèo -> chó -> động vật -> thú cưng -> người -> người -> gia đình). 

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng có những người sáng tạo hơn người khác vì họ có thể tránh các liên tưởng mạnh (như mèo -> chó) để đạt tới những liên tưởng xa hơn (như mèo -> gia đình) và nghiên cứu này cũng chứng minh rằng sóng não alpha đóng vai trò rất lớn trong quá trình đó.

“Con đường ít người qua lại”

Giáo sư Joydeep Bhattacharya của Đại học GoldSmiths London (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu này, nói thêm: “Như Robert Frost viết trong bài thơ nổi tiếng của mình rằng, ‘Hai ngã rẽ vào một khu rừng, ta chọn con đường ít người qua lại, Chính điều đó tạo ra sự khác biệt’. Việc đi con đường ít người qua lại là điều cần thiết cho tư duy sáng tạo. Những phát hiện của chúng tôi cung cấp một số bằng chứng về quy trình này được thực hiện như thế nào trong não bộ của chúng ta.”

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ hiểu được cách các quá trình thần kinh được tích hợp khi giải quyết vấn đề có tính sáng tạo ở ngoài điều kiện phòng thí nghiệm, và liệu rằng chúng ta có thể chế tạo một thiết bị kích thích để theo dõi não và kích thích sự sáng tạo bất cứ khi nào cần hay không.

Nghiên cứu nói trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sáng tạo thông qua kích thích và lập bản đồ não tiên tiến” (CREAM) do Ủy ban châu Âu hỗ trợ.

www.khoahocphattrien.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ