Việt Nam có cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở; có nền tảng vững chắc để phát triển sáng kiến dữ liệu mở. Kết quả này là nhờ có sự đầu tư của Chính phủ cho các cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống hạ tầng CNTT.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Gia Huy
Chiều 17/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũngđã đến dự và phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số. Hội thảo do Văn phòng Chính phủ (VPCP), Ngân hàng thế giới (WB) và tổ chức Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương khu vực phía Bắc; Đại sứ quán Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và một số tổ chức quốc tế...
Tạo bước tiến lớn về xây dựng CPĐT
Năm 2018, VPCP, WB và tổ chức Sáng kiến Việt Nam đã tiến hành đánh giá về mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam (Đánh giá ODDG). Báo cáo gồm 2 chủ đề: Đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số và Đánh giá mức độ sẵn sàng cho Dữ liệu mở.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật của WB cho Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy tiến trình Chính phủđiện tử tại Việt Nam một cách hiệu quả và thiết thực. Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các kết quả Đánh giá ODDG và thảo luận khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, để tạo được bước tiến lớn về xây dựng Chính phủđiện tử (CPĐT), tại nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT.
Việc đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số thông qua 7 lĩnh vực chính: Lãnh đạo và quản trị; Lấy người dùng làm trung tâm; Thay đổi quy trình công việc; Năng lực, tập quán, văn hóa và kỹ năng; Cơ sở hạ tầng dùng chung; Sử dụng dữ liệu để ra quyết định chính sách; An ninh mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi.
Việc đánh giámức độ sẵn sàng về dữ liệu mở tập trung vào 8 lĩnh vực: Cam kết của lãnh đạo cấp cao-tập trung xem xét tầm nhìn, sự hiểu biết dữ liệu mở ở lãnh đạo cấp cao; Khung chính sách pháp lý cho dữ liệu mở; Cấu trúc về thể chế, trách nhiệm năng lực trong Chính phủ để xem xét cách thức phối hợp hoạt động của các cơ quan trong Chính phủ và năng lực của các cơ quan khác nhau; Chính sách quản lý dữ liệu của Chính phủ, thủ tục và dữ liệu sẵn có; Nhu cầu dữ liệu mở đánh giá nhận thức và các sáng kiến liên quan đến dữ liệu tại khu vực ngoài nhà nước; Sự tham gia của cộng đồng và năng lực dữ liệu mở đánh giá tương tác giữa Chính phủ và xã hội...; Nguồn lực tài chính để xem xét liệu ngân sách có sẵn sàng để triển khai dữ liệu mở hay không; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đánh giá tình trạng cơ sở hạ tầng CNTT trong nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, để biến quyết tâm của lãnh đạo cao cấp thành những kết quả trên thực tế đòi hỏi những thay đổi về luật pháp và những hành động cụ thể trong phạm vi toàn Chính phủ và xã hội. Trong đó có vấn đề xây dựng thể chế, kết nối, chia sẻ, quản lý thông tin cá nhân, tài liệu lưu trữ điện tử...
Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số.
Việt Nam có cam kết chính sách mạnh mẽ
Kết quả khảo sát của WB cho thấy một số phát hiện chính như: Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở. Việt Nam hiện cũng có nền tảng vững chắc để phát triển Sáng kiến Dữ liệu mở. Chính phủ cũng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật có tính nền tảng để phát triển Chính phủ số.
Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số trên 7 lĩnh vực cho thấy Việt Nam có cam kết chính sách mạnh mẽ, đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật có tính nền tảng để phát triển Chính phủ số. Một số cơ quan đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, điện toán đám mây. Một số thách thức chính là cần xây dựng khung điều phối và phối hợp giữa các cơ quan và các sáng kiến khác nhau, tăng cường khả năng tài chính, chuẩn hóa dữ liệu và dịch vụ số.
Về kết quảđánh giámức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở trên 8 lĩnh vực khẳng định Việt Nam đã có nền tảng vững chắc để phát triển sáng kiến Dữ liệu mở nhờ có tầm nhìn rõ ràng của lãnh đạo cấp cao, dữ liệu sẵn có của các bộ, ban, ngành và sự đầu tư của Chính phủ cho các cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống CNTT. Báo cáo cũng nêu 3 thách thức lớn là sự thiếu vắng khung pháp lý cho Dữ liệu mở, năng lực chuyên môn của khu vực công, sự quan tâm chưa đồng đều của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp.
Đánh giá ODDG cho thấy Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện một loạt các giải pháp khác nhau để khắc phục những điểm yếu hiện tại.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: "Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đều quyết tâm xây dựng CPĐT, mục tiêu là phòng chống tham nhũng, chống sách nhiễu của cán bộ, tạo ra quá trình minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính". VPCP sẽ là cơ quan đi đầu và tiên phong trong xây dựng "văn phòng không giấy tờ" khi đang xử lý hồ sơ công việc trên nền điện tử và sử dụng chữ ký số.
Những đánh giá và khuyến nghị của WB sẽ giúp Việt Nam nhận thức rõ ràng những nhiệm vụ cần triển khai trong xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.
Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối hoạt động dựán tại Việt Nam của WB đánh giá, Việt Nam vẫn còn văn hóa khép kín và giữ kín thông tin. Việc này cần thay đổi để chia sẻ thông tin, hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan khác nhau cũng như chia sẻ thông tin cho doanh nghiệp, người dân.
Về khung pháp lý, ông Achim Fock cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn, hướng tới Chính phủ số và Dữ liệu mở hiệu quả hơn. Việt Nam cũng rất may mắn khi có năng lực tốt, nhiều nhân tài về CNTT, cơ sở hạ tầng mạnh. Tuy nhiên ông Achim Fock cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế thu hút nhân tài tốt nhất và tăng cường đào tạo trong toàn bộ hệ thống công vụ.
Báo cáo Đánh giá ODDG là nỗ lực chung của WB và Chính phủ Việt Nam. Ông Achim Fock cho biết sau hội thảo, WB sẽ hoàn thiện báo cáo, đưa ra những khuyến nghị cụ thể với Việt Nam. Ông Achim Fock mong muốn WB được góp phần giúp Chính phủ Việt Nam về xây dựng Chính phủ số và Dữ liệu mở trong thời gian tiếp theo.