Việt Nam đang ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị
Theo Giám đốc WB Việt Nam Ousmane Dione, để tạo ra nhiều giá trị hơn trong chuỗi, Việt Nam cần vượt ra ngoài những khâu lắp ráp, chế tạo, tiến đến các hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm hoặc các hoạt động quảng bá, phân phối sản phẩm, chăm sóc khách hàng, cung ứng các dịch vụ.
Vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, với trình độ công nghiệp 3.0 và 4.0 | Nguồn WB.
Khái niệm “Value chain” (chuỗi giá trị), do Michael Porter khởi xướng vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chỉ một tập hợp các hoạt động để đưa sản phẩm từ một khái niệm cho đến khi đưa vào sử dụng và cả dịch vụ sau bán hàng. Do xu thế hội nhập toàn cầu, các quốc gia đều bắt đầu liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, dần dần phân chia thành những công đoạn dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình, từ đó tạo ra các giá trị gia tăng khác nhau trong chuỗi.
Số liệu thống kê và nhiều nhận định của các chuyên gia chỉ ra rằng Việt Nam hiện đang nằm ở khâu tạo giá trị thấp nhất, chủ yếu vẫn là lắp ráp, chế tạo với hàm lượng công nghệ thấp.
Báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 ngày 17/1, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tạo được nhiều giá trị hơn trong chuỗi bằng cách tiến lên và vượt ra ngoài những khâu sản xuất, tiến đến các hoạt động ở thượng nguồn (upstream) như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; hoặc tiến xa hơn đến các hoạt động ở hạ lưu (downstream) như quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng, hoặc cung ứng các sản phẩm dịch vụ.
Theo báo cáo của nhóm Ngân hàng Thế giới, chuỗi giá trị 4.0 sẽ có độ sâu lớn hơn chuỗi giá trị 3.0, đồng nghĩa với việc các giá trị được tạo ra trong khâu chế tạo trong tương lai sẽ càng ngày càng bị cắt giảm bởi sự thay thế của robot và công nghệ cao. Tuy nhiên giá trị ở những lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ cao hoặc khu vực dịch vụ sẽ tăng lên mạnh mẽ. Nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì những lĩnh vực có thể tham gia sẽ càng ngày càng mở rộng.
Giai đoạn 2005-2016, trong tổng giá trị xuất khẩu thì giá trị gia tăng nội địa ngày càng giảm từ khoảng 64% năm 2005 xuống còn khoảng 58% năm 2016, đặc biệt trong các mặt hàng xuất khẩu tinh vi như điện tử, máy tính, dệt may,… Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhưng phần lớn chỉ có thể cung ứng các phụ tùng thay thế, mà chưa tham gia vào các sản phẩm chính.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.
Ông Dione chỉ ra rằng việc tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư
nước ngoài hay các doanh nghiệp FDI là cực kỳ quan trọng bởi điều đó sẽ buộc các doanh nghiệp trong nước phải tạo ra chất lượng cao hơn để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam tăng cường cả 3 lĩnh vực: Đầu tư vốn nhân lực để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp với đòi hỏi của thế kỷ 21; phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt chú trọng việc huy động nguồn lực và kết nối của khu vực tư nhân; và cải cách thể chế tạo ra các khuôn khổ quản lý cạnh tranh hơn.