Tâm thế và hành động trong CMCN lần thứ 4
Đón Tết Kỷ Hợi trong thời đại CMCN lần thứ tư, người Việt chúng ta ấp ủ bao khát vọng vươn lên mạnh mẽ với một tâm thế mới: đổi mới, sáng tạo, hành động linh hoạt và năng động hơn bao giờ hết.
Mặc dù công nghệ in 3D đã có mặt trong khá nhiều lĩnh vực ở Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng vẫn chủ yếu mang tính chất thử nghiệm. Trong ảnh: Thử nghiệm cánh tay điều khiển bằng suy nghĩ được làm từ công nghệ in 3D của Công ty TNHH 3D Master. Ảnh: Loan Lê
Trước hết, cần nhận thức đầy đủ những thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc đang và sẽ diễn ra để xác định đúng đắn những đặc trưng trong thời đại mới đầy biến động này và vị trí của đất nước và dân tộc ta ở đâu trong sự phát triển như vũ bão này.
Nhân loại tiến vào cuộc CMCN lần thứ tư và bắt đầu một nền văn minh mới với những biến đổi sâu rộng nhanh chưa từng có trong quá khứ và chưa thể lường hết tác động tới kinh tế, xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân. Các sản phẩm, dịch vụ mới với những ý tưởng táo bạo xuất hiện liên tục. CMCN lần thứ tư với trung tâm là nền kinh tế số dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin, kết nối người dân với chính phủ, trường học, doanh nghiệp xuyên biên giới.
Đã xuất hiện nhiều dạng mua bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ như kinh tế chia sẻ (sharing economy) như cùng đi chung xe ô tô để đi làm, tái sử dụng đồ chơi trẻ em khi con cái đã lớn và không còn cần dùng nữa, hay cho thuê phòng cho khách ở theo dạng homestay qua môi giới của Airbnb v.v. Airbnb xuất hiện năm 2008, đến nay đã có mặt trên 190 nền kinh tế, 34.000 thành phố với số khách lên đến 60 triệu người. Ở Việt Nam, theo thông tin của ngành du lịch, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số phòng này tương đương với tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2-4 sao của Thành phố Hồ Chí Minh và đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng.
Công nghệ in 3D đang thay đổi sâu sắc công nghiệp may mặc, da giày, xây dựng, thiết kế và mở ra những hy vọng mớí cho y học. Thay vì sản xuất hàng loạt, công nghiệp may và da giày có khả năng vận dụng dữ liệu lớn, may đo cho từng khách hàng, đáp ứng hàng triệu hợp đồng khác nhau nhờ công nghệ in 3D, cung cấp số đo chính xác của từng khách hàng trên khắp hành tinh. Công nghệ in 3D cũng cho phép rút ngắn thời gian thiết kế và xây dựng nhà, cầu đường. Đặc biệt, công nghệ in 3D cho phép tạo ra những bộ phận của cơ thể con người theo đúng kích thước trong cơ thể, nhiều phòng thí nghiệm sinh học đã bắt đầu cấy mô để hy vọng hình thành một quả tim thứ hai, sẵn sàng thay thế quả tim đang đập trong lồng ngực khi cần thiết.
Nhìn chung, tốc độ thay đổi của khoa học-công nghệ nhanh chưa từng thấy, nếu trước đây điện thoại cố định phải mất 70 năm để có 100 triệu người dùng thì nay trò chơi Pokemon Go chỉ cần 3 tháng đã có hơn 100 triệu khách hàng. Trung bình cứ 6 tháng lại xuất hiện một mô hình điện thoại thông minh mới với nhiều tính năng và tiện ích hơn hẳn mô hình trước. Cuộc sống trở nên sôi động hơn, đòi hỏi phải luôn sáng tạo, đổi mới để không bị tụt hậu hay bị loại bỏ khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, robot và trí thông minh nhân tạo xuất hiện trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, đã và sẽ nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống con người nhưng cũng làm tăng thêm chênh lệch giàu-nghèo, thay đổi lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của các quốc gia. Robot có thể làm việc 24 giờ/ngày, 7 ngày một tuần với năng suất cao hơn người lao động nhiều lần, không đòi hỏi nâng lương, không đình công, cũng không cần công tác vận động tư tưởng. Trong lĩnh vực y tế trí thông minh nhân tạo có thể vận dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, có thể nhớ hàng triệu bệnh án và phác đồ điều trị. Luật sư điện tử có thể trả lời trong vài giây sự việc xảy ra liên quan đến những điều luật trong bộ luật nào. Trí thông minh nhân tạo ứng dụng vào kinh tế có thể vẽ ngay các đồ thị về diễn biến thị trường và dự báo xu thế diễn biến…
Thách thức mới cho người lao động
Người máy và trí thông minh nhân tạo có thể trở thành “thiên thần” cho nền kinh tế, chắp cánh bay lên hay bị coi là “ác quỷ” đối với người lao động, tùy thuộc vào tâm thế và hành động của chính phủ và người lao động.
Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã dự báo 86% lao động trong dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm do ứng dụng người máy và các tập đoàn giảm sử dụng lao động giản đơn. Để tránh bị tác động tiêu cực như dự báo trên, chính phủ, công đoàn, người lao động phải có giải pháp kịp thời để chuẩn bị chính sách, biện pháp chủ động khắc phục.
Trong tương lai khi những người lao động với kỹ năng giản đơn bị người máy thay thế sẽ phải học nghề mới, nâng cao trình độ để điều khiển người máy nếu không muốn trở thành lao động phục vụ người máy hay phải theo một nghề khác, đi làm ở nơi xa hơn. Tâm thế người lao động phải thay đổi, thay vì tập trung đấu tranh đòi người sử dụng lao động trả lương cao hơn, công việc nhàn hạ hơn, sự lựa chọn thích hợp là chấp nhận học nghề mới, kỹ năng mới, học tập suốt đời, chủ động đón nhận công nghệ mớí, sáng tạo hơn. Nếp suy nghĩ suốt đời theo một nghề, ở một chỗ, học một lần tốt nghiệp là đủ sẽ không còn thích hợp nữa, người lao động cần rèn luyện ý chí và năng lực tiếp nhận kiến thức và kỹ năng mới, chấp nhận làm việc xa nhà, ở nước ngoài. Công tác công đoàn cũng phải đổi mới, hệ thống giáo dục-đào tạo trong toàn xã hội phải thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới. Bác sĩ điện tử có thể khám bệnh qua mạng với sự trợ giúp hữu hiệu của trí thông minh nhân tạo, trường đại học điện tử cho phép sinh viên ở Việt Nam có thể theo học và nhận bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Làm việc tự do hay tự chủ qua mạng xuyên biên giới đang thay đổi mô thức làm việc của giới trẻ. Thay vì chạy chọt vào biên chế, ngày càng nhiều các bạn trẻ đã và đang lựa chọn phương thức của hình thức kinh tế tự do hay kinh tế tạm thời (gig economy), ký hợp đồng ngắn hạn qua mạng, cung ứng giải pháp phần mềm, phiên dịch, tư vấn. Ưu điểm của mô hình làm việc này là người lao động không phải đi đến nơi làm việc, tránh kẹt xe, ô nhiễm không khí khi phải đi đến nơi làm việc, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, có thể chủ động lịch làm việc, thâm chí có thể cùng một lúc làm được nhiều việc theo những hợp đồng khác nhau. Nơi ký hợp đồng cũng tiết kiệm được chi phí văn phóng và trả tiền công thấp hơn so với lao động dài hạn như trước đây. Không ít lao động có trình độ chuyên môn sinh sống ở Việt Nam hiện nay đang tham gia buôn bán chứng khoán ở Mỹ và thị trường chứng khoán toàn cầu, làm việc cho các công ty tư vấn hay phần mềm ở Pháp hay Nhật, được trả tiền qua ngân hàng điện tử.
Nhược điểm của hình thức này là tính thiếu ổn định, khi có nhiều hợp đồng phải làm việc ngày đêm, có lúc lại nhàn rỗi ngoài ý muốn và phải tự trả bảo hiểm xã hội. Việc thu thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp đang là một câu hỏi chưa được giải đáp khi Việt Nam chưa có khung pháp lý thích hợp cho nền kinh tế số như luật pháp về văn bản điện tử, chữ ký số, giao dịch và hợp đồng điện tử v.v.
Vấn đề của Việt Nam
Dân số Việt Nam hiện hơn 90 triệu người, với hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, ứng dụng công nghệ số (như FPT, DTT, Viettel...) Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.
Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể thì còn rất nhiều vướng mắc về hệ thống mạng chậm được nâng cấp, các phần mềm chưa tương thích và kết nối được với nhau, các kho dữ liệu chưa được kết nối v.v. Mặt khác, Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, thông minh, ham học, khéo tay nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn đạt trình độ cao.
Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực để đưa khoa học-công nghệ vào cuộc sống nhưng trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân năng động chỉ chiếm khoảng 8-9% GDP, trong khi tỷ trọng của kinh tế cá thể, hộ gia đình với quy mô nhỏ bé (dưới 10 lao động), thuộc khu vực kinh tế phi hình thức (chưa đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, chưa đăng ký thương hiệu…) còn rất lớn, chiếm đến trên 30% GDP.
Kinh tế cá thể có thể tạo ra việc làm, giúp người dân thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực để tiếp cận nền kinh tế số và CMCN lần thứ tư. Đơn cử như trong ngành nông nghiệp, các hộ nông dân nhỏ lẻ vẫn chiếm chủ đạo, dẫn tới gặp nhiều khó khăn trong tái cơ cấu nông nghiệp, khó triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, dồn điền dồn thửa, vận dụng công nghệ cao.
Ảnh: KH&PT
Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về thương mại điện tử,kinh tế số, chính phủ điện tử và đang chuẩn bị có chương trình hành động về CMCN lần thứ tư. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng đã đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng kinh tế số. Đó là những nỗ lực rất đáng trân trọng, nhưng Việt Nam vẫn đang bị tụt hậu về kinh tế số hóa và chính phủ điện tử so với khu vực. Cơ quan xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc UNPAN xếp hạng Việt Nam xếp thứ 89/193 nền kinh tế (2016), năm 2017 Việt Nam lên được 1 bậc, xếp thứ 88/193 nền kinh tế, một vị trí rất thấp so với các nước trên thế giới. Theo xếp hạng Chỉ số Phát triển số hóa (Digital Evolution Index- DEI) của trường đại học Tufts, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam đạt 2,19/5 điểm, xếp thứ 48 trên 60 nền kinh tế.
Trong công nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp trên 50% sản lượng công nghiệp với tỷ lệ giá trị gia tăng tại Việt Nam rất thấp, chủ yếu là giá trị lao động, vận tải… trong khi tỷ lệ của sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị còn rất khiêm tốn. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu cho thấy vị thế hạn chế của doanh nghiệp trong nước.
Hơn bao giờ hết, Việt Nam phải khuyến khích sáng tạo, tạo không gian thuận lợi cho tư duy phê phán, suy nghĩ phản biện để thúc đẩy đổi mới khoa học-công nghệ, tránh thói “độc quyền chân lý”, bảo thủ, gia trưởng trong nghiên cứu và vận dụng khoa học-công nghệ. Cần phát triển nhiều hơn nữa các cuộc thảo luận hay tranh luận cởi mở, xây dựng, chấp nhận những ý kiến khác nhau, mới lạ hướng về mục đích chung, tránh thói “chụp mũ”, thành kiến với những ý kiến phê phán, đổi mới như đã diễn ra trong quá khứ. Xác định tâm thế và quyết tâm, có chương trình hành động hiệu quả là yêu cầu cấp bách để vượt lên rào cản và thách thức, nắm bắt cơ hội to lớn này.
|