SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Báo động về tình trạng thực phẩm có chất kích thích tăng trưởng

[21/10/2011 16:36]

Với sự cố trên 300 người bị ngộ độc thực phẩm từ tiệc cưới tại nhà hàng thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung quốc vừa qua do thịt heo nhiễm chất clenbuterol, sau đó là các thông tin về hiện tượng trái cây phát triển bất thường, dưa hấu tự nhiện bị nổ … dư luận lại quan tâm đến việc sử dụng bừa bãi chất kích thích tăng trưởng!

Chất kích thích tăng trưởng là gì?

Chất này còn gọi là Hormone tăng trưởng (GH) là nội tiết tố sản sinh từ tuyến yên, có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể con người, đặc biệt giai đoạn trước tuổi dậy thì, ngoài ra Virtually every tissue in the body contains receptors for GH.chất này thúc đẩy sự hình thành cơ bắp, tăng cường độ rắn chắc của xương, duy trì nguồn năng lượng, xúc tác quá trình trao đổi chất trong cơ thể...

Lợi dụng tính chất này, người ta  điều chế các chế phẩm hormone tăng trưởng ngoại sinh,  đó là các chế phẩm làm cho gia súc, gia cầm tăng trọng nhanh, gia tăng tỉ lệ thịt nạc; hoặc giúp cho cây trái gia tăng kích cỡ (tùy theo từng bộ phận như củ, thân, lá, trái cây). Các sản phẩm dạng này đã được sử dụng tại các nước công nghiệp phát triển- đặc biệt tại Mỹ, từ trên 20 năm qua. Từ năm 1993, FDA của Mỹ đã phê chuẩn cho phép sử dụng các chất hormone trong ngành chăn nuôi bò, gồm: estradiol, progesterone, testosterone, zeranol, trenbolone acetate, và melengestrol acetate (3 chất sau là loại tổng hợp) nhằm mục đích gia tăng sản lượng sữa và tăng trọng đàn gia súc. Nhưng các nước châu Âu đã nói “không” với thực phẩm có sử dụng các loại hóa chất tăng trọng và cấm nhập khẩu thịt bò có sử dụng chất này! (Dẫn đến cuộc chiến thương mại kéo dài trên 20 năm giữa Mỹ và liên hiệp châu Âu).

Tác hại do dùng thực phẩm có tồn lưu chất kích thích tăng trưởng

Thời gian qua rất nhiều công trình nghiên cứu có uy tín đã khẳng định tác hại của các chất kích thích tăng trưởng,  ngoài ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ làm rối loạn chức năng tuần hoàn, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phổi phù nề, liệt cơ, run cơ…Về lâu dài có thể gây dậy thì sớm, rối loạn chức năng sinh dục…

Thực trạng việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng tại Việt Nam:

      Được biết Bộ Nông nghiệp chỉ cho phép sử dụng các nhóm hóa chất “điều hòa sinh trưởng”, trong đó có các nhóm Auxins, Cytokinins, Gibberellic (Thông tư số 36/2011/TT-BNNPTNT); Ngoài ra đã có lệnh cấm đối với nhóm chất “đồng vận bê-ta” như Clenbuterol và Salbutamol; Tuy nhiên trên diễn đàn, các nhà khoa học và ngành chức năng chưa ai dám khẳng định các sản phẩm thịt gia súc, rau quả Việt Nam không có sử dụng chất kích thích tăng trưởng thuộc diện cấm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, (tháng 10/2010) trong 48 trang trại được lấy mẫu xét nghiệm đều có dính chất kích thích tăng trưởng thuộc danh mục cấm. Phần lớn các trang trại trên là của tư nhân. Kiểm tra hiện trường tại một chợ đầu mối cho thấy trên 60% số lợn trên thị trường đều đã được ăn "thần dược" trước khi xuất chuồng, giết mổ; Kết quả nghiên cứu 428 mẫu thịt gia súc, gia cầm (từ 12 tỉnh, thành, thời gian từ ngày 20/6 – 1/11/2010) do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chuyển đến, Viện KHKT nông nghiệp miền Nam đã phát hiện 11% số mẫu  có chứa hormone kích thích tăng trưởng thuộc diện cấm. Cần lưu ý rằng, ngay cả chất tăng trưởng thuộc diện cho phép, nếu dùng quá liều vẫn có tác dụng phụ.

Dấu hiệu đáng ngờ

Hiện tượng đàn heo tăng nhanh quá mức, giá đậu có cọng quá to, dưa leo quá lớn, vỏ bóng láng, dưa hấu tự nhiên nổ vỏ… là hiện tượng bất thường có thể liên quan đến thuốc kích thích tăng trưởng. Thiết nghĩ ngành chức năng cần vào cuộc tích cực hơn, để trả lời rõ ràng trước băn khoăn của người tiêu dùng, không phải đợi đến sự cố ngộ độc hàng loạt do chất Clenbuterol như tại Trung quốc vào cuối tháng 5/2011 vừa qua chúng ta mới tung ra chiến dịch truy lùng một cách bị động như sự cố melamine trong sữa, chất nhũ hóa DEHP trong thức uống…
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ