Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng xấu đến động vật hoang dã
Ánh sáng có thể tiếp cận đến môi trường sống cách xa khu định cư của con người. Khi bị phản xạ và khúc xạ trong khí quyển, các chùm sáng có thể truyền đi một quãng đường rất dài.
Hiện tượng ô nhiễm ánh sáng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: AP
Ô nhiễm ánh sáng tác động đến 2/3 khu vực đa dạng sinh học quan trọng của Trái đất, đặc biệt là ở châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Animal Conservation vào ngày 10/2, tình trạng ô nhiễm ánh sáng do con người gây ra có thể làm thay đổi hành vi của các loài cụ thể và tác động đến toàn bộ hệ sinh thái.
“Nhiều loài có thể bị ảnh hưởng ngay cả với những thay đổi nhỏ trong ánh sáng vào ban đêm, bao gồm vi khuẩn, thực vật, nhiều nhóm động vật giáp xác, côn trùng, cá, động vật lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú”, Jo Garrett, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh), cho biết.
Ô nhiễm ánh sáng làm ảnh hưởng đến thời gian cây ra lá và nở hoa. Thông thường, chim hót sớm hơn trong ngày ở những nơi có ánh sáng nhân tạo.
Những thay đổi do ánh sáng gây ra trong hành vi của vi sinh vật có thể làm thay đổi chu kỳ carbon và các hợp chất hữu cơ khác.