5 nhiệm vụ được lựa chọn tham gia Chương trình KC - 4.0
Ban Chủ nhiệm Chương trình KC - 4.0 đã xem xét, lựa chọn 5 nhiệm vụ đề xuất tham gia Chương trình KC 4.0 năm 2019.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Thủy giới thiệu nội dung khung Chương trình KC - 4.0/19 - 25.
Thông tin trên được PGS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 (KC4.0/19-25) - cho biết tại Hội thảo “Triển khai nội dung Chương trình hỗ trợ, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 5/3 tại TPHCM.
Cụ thể, đó là các nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, tích hợp cơ sở dữ liệu địa chất dầu khí để đánh giá triển vọng dầu khí, thử nghiệm tại khu vực Bắc bể sông Hồng; Nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sáng Nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; Nâng cao chất lượng tổng hợp tiếng nói tiếng Việt và ứng dụng; Xây dựng nền tảng phục vụ nâng cao chất lượng nhận dạng tiếng nói tiếng Việt và ứng dụng; Xây dựng nền tảng dịch vụ dữ liệu địa chỉ Việt Nam phục vụ phát triển các ứng dụng dân sinh.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 cho biết, mục tiêu của Chương trình KC 4.0 nhằm nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế; tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển KT – XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Chương trình sẽ ưu tiên các nhiệm vụ đề xuất gắn với các hệ tri thức Việt số hóa; Sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; Có đăng ký sở hữu trí tuệ, sáng chế; Có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN; Đặt hàng của cơ quan nhà nước, tài trợ từ doanh nghiệp;...
“Đặc biệt ưu tiên các công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ, hoàn thiện công nghệ; đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất – kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng” - PGS.Thủy nhấn mạnh.
Ông Trần Đỗ Đạt, Phó giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, cho biết thêm, các nhiệm vụ được đề xuất đặt hàng phải có tính cấp thiết cao hoặc tầm quan trọng đối với phát triển KT – XH, an ninh quốc phòng trong phạm vi cả nước; và các vấn đề khoa học cần phải huy động nguồn lực KH&CN (nhân lực, tài chính) của quốc gia hoặc góp phần giải quyết những nhiệm vụ mang tính chất liên ngành, liên vùng.
Ngoài ra, các nhiệm vụ không được trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng – Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, có những vấn đề cũ, nhưng nhiều năm vẫn cần phải giải quyết. Ông bày tỏ to ngại, với quy trình xét duyệt như hiện nay thì "các tổ chức hoặc cá nhân có các giải pháp, công nghệ mới, cho kết quả tốt hơn thì rất dễ bị bỏ qua”.
Đại biểu chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc về Chương trình KC - 4.0.
Chia sẻ những băn khoăn của các đại biểu, ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ KH&CN - cho biết, Chương trình KC 4.0 có sự khác biệt nhiều so với các chương trình KC khác. Đó là Chương trình định hướng vào doanh nghiệp, ưu tiên các nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia theo cơ chế nhà nước và doanh nghiệp cùng bỏ kinh phí thực hiện. “Chương trình không đặt nặng nhiệm vụ phải có bài báo hay đào tạo mà là những sản phẩm cụ thể, tác động tới thị trường, có tính lan tỏa trong xã hội” – ông Dương nhấn mạnh.
Trong khi các Chương trình KC khác làm theo giai đoạn, thường là 5 năm/lần, sau đó tổng kết rồi thực hiện tiếp thì KC 4.0 là chương trình đặc biệt nên sẽ được thực hiện luôn trong vòng 7 năm, sau đó mới tổng kết đánh giá để triển khai tiếp. Chương trình cũng nhận triển khai kết quả của các chương trình KC khác, nếu đưa ra được các sản phẩm cụ thể. Đối với Chương trình KC 4.0 sản phẩm phải là hữu hình và triển khai được ngay. Tuy nhiên, việc không trùng lắp đề tài, nhiệm vụ vẫn phải thực hiện theo quy định tài chính của nhà nước.