Chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như bây giờ
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như bây giờ. Vì vậy, chương trình đào tạo công nghệ thông tin phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành ICT tại Việt Nam. Ảnh: GDVN.
ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng.
Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ một triệu lao động tri thức. Không những thế, khởi nghiệp công nghệ thông tin cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra tăng trưởng nhanh nhất, kết nối nhanh với giá trị gia tăng lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, hiện Việt Nam có 235 trường đại học trong đó có 50 trường đào tạo công nghệ thông tin. Hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường.
Theo tính toán, với mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu cầu việc làm rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020 cần 100.000 cử nhân công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, ông Phùng Xuân Nhạ nhận định, số lượng này vẫn chưa đủ so với nhu cầu phát triển doanh nghệp công nghệ thông tin, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 có một triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó rất ưu tiên khởi nghiệp công nghệ thông tin. Khó khăn còn nằm ở con số đáng buồn khi khảo sát cho thấy trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại.
So với các nước trong khu vực và trên thế giới, ngành CNTT ở Việt Nam vẫn đang ở quy mô nhỏ, công nghệ phần mềm và nội dung số dù phát triển nhanh nhưng còn manh mún, thiếu tập trung nguồn lực, năng lực nghiên cứu và phát triển chưa cao.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về kỹ năng chuyên sâu. Công nghệ phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp và sức cạnh tranh còn yếu.
Tăng cường đưa sinh viên vào doanh nghiệp CNTT
Để giải quyết những tồn tại về nhân lực cho ngành ICT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường đại học phải hoạt động như những doanh nghiệp cung cấp nguồn nhân lực, luôn luôn ý thức về thị trường. Các doanh nghiệp phải nhìn các trường đại học như những bạn hàng. Việc gắn kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp phải trở thành hoạt động tự thân, thường niên, mọi lúc mọi nơi.
“Chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như bây giờ. Chương trình đào tạo phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi, các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công. Trong đó lưu ý đến Tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, công nghệ thông tin rất đặc thù nhưng cần phải có hướng đào tạo hợp lý, tránh biến sinh viên thành robot. Các nhà trường cần thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, thực tập nhúng mình vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, như trường y với bệnh viên. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy, quản trị đại học.
Sinh viên trong quá trình học tập gắn sâu vào thực tế, hình thành nên những trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, sinh viên công nghệ thông tin ra trường không chỉ có việc làm mà còn khởi nghiệp tạo việc làm. Nhiều ý tưởng sáng tạo đổi mới từ CNTT nhanh, phương thức đào tạo cũng nhanh. Đào tạo, đổi mới, khởi nghiệp phải nằm trong một chuỗi liên kết chặt chẽ.
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần đổi mới cách thức đào tạo. Thay vì đào tạo theo kiểu truyền thống là học trước làm sau, thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính thì nay cần đổi mới tư duy, học bằng cách làm, làm trước học sau, tự học 70 – 80% rồi mới hỏi thầy.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này. Phải coi việc đào tạo người lao động như một khoản đầu tương tự như với máy móc, thiết bị.