Ðể có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế
Một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học của một trường đại học là số lượng và chất lượng các bài báo từ đề tài nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Tiêu chí trên là hướng đi lâu dài và hiệu quả, nhằm
nâng cao chất lượng các nghiên cứu và trình độ của cán bộ nghiên cứu trong lĩnh
vực kinh tế ở nước ta.
Trong năm năm qua, khoảng 90-97% số bài báo đăng trên
tạp chí của các trường đại học là trên các tạp chí trong nước. Các bài báo được
đăng tải trên các tạp chí quốc tế của các trường đại học của Việt Nam hầu hết từ
những người làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và một số nhà khoa học trong nước
thực hiện những đề tài liên kết với nước ngoài. Trường đại học Kinh tế Quốc
dân, trong giai đoạn 2006-2010 có bốn bài báo được công bố trên các tạp chí
khoa học quốc tế từ đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng tất cả đều từ đề tài hợp
tác theo nghị định thư.
Theo chúng tôi có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng
chưa có nhiều bài báo từ các đề tài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí
quốc tế. Thứ nhất, hầu hết các bài viết từ đề tài chưa đạt được các quy chuẩn
quốc tế. Do vậy, nội dung nhiều bài viết từ đề tài chưa bảo đảm tính chặt chẽ,
độ tin cậy và tính khoa học cần thiết. Từ đây đặt ra một vấn đề trong quản lý
đề tài là, phải thay đổi quy định về kết cấu, nội dung của một đề tài như thế
nào để có được những dữ liệu phục vụ cho một bài viết theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, quy trình nghiệm thu đánh giá đề tài còn nhiều
hạn chế. Hiện nay, các đề tài cấp trường được đánh giá một cấp, các đề tài cấp
bộ, cấp nhà nước đều được đánh giá qua hai cấp: Cấp cơ sở và cấp bộ, nhà nước.
Ở mỗi cấp, hội đồng nghiệm thu đánh giá có chủ tịch, phó chủ tịch, hai thành viên
phản biện và một số thành viên khác. Tuy nhiên, công tác phản biện hiện nay
chưa được quy định chặt chẽ, trong đó đáng chú ý nhất là chưa thực hiện phản
biện kín trong đánh giá đề tài và chưa có chuẩn chọn thành viên phản biện. Do
đó, việc đánh giá đề tài của người phản biện còn mang tính cả nể, dễ dãi, yêu
cầu sửa chữa, bổ sung chưa cao. Ðề tài xếp loại xuất sắc nhiều nhưng ứng dụng
thực tiễn và công bố quốc tế còn hạn chế.
Thứ ba, công tác quản lý hoạt động khoa học và công
nghệ gắn với công trình nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế. Các trường đại học ở Việt
Nam hầu như chưa có cơ chế bắt buộc hay khuyến khích đăng tải kết quả nghiên
cứu trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong nước, chưa nói đến là trên tạp
chí quốc tế.
Từ thực tế nói trên, chúng tôi thấy việc đổi mới quản
lý đề tài nghiên cứu theo hướng khuyến khích công bố kết quả trên các tạp chí
quốc tế cần được triển khai theo các hướng sau:
Thay đổi cơ cấu nội dung của đề tài theo các chương mục
truyền thống sang trình bày theo cách viết bài trên tạp chí khoa học quốc tế.
Theo chúng tôi, một đề tài cấp trường chỉ nên có dung lượng khoảng 30-35 trang.
Kết cấu nội dung của đề tài giống như kết cấu bài báo nghiên cứu khoa học
đăng tạp chí quốc tế, cần phải bao gồm những phần sau đây: Tóm tắt đề tài, giới
thiệu, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu, kết quả, diễn giải và phân tích kết
quả, tài liệu tham khảo.
Cho phép giao đề tài nghiên cứu cấp trường bằng cả
tiếng Việt và tiếng Anh cho các nhà khoa học theo quy chế viết đề tài như ở
phần trên. Việc thực hiện giao đề tài theo cách này một mặt giúp nhiều bài viết
có đủ tiêu chuẩn và có cơ hội được đăng trên các tạp chí quốc tế, mặt khác,
nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học của các trường đại học.
Ðể nâng cao chất lượng của các đề tài nghiên cứu, cần
đổi mới quy trình thẩm định, đánh giá đề tài. Chúng tôi khuyến nghị cần thí
điểm áp dụng một số giải pháp đối với đề tài cấp trường, thực hiện theo
hai bước sau:
Bước một: Gửi đề tài đi phản biện kín trước khi
đưa ra đánh giá nghiệm thu. Mỗi đề tài sau khi hoàn thành sẽ được gửi đi
phản biện kín. Ðề tài sẽ được gửi tới hai nhà khoa học hàng đầu đọc phản biện.
Trong trường hợp đặc biệt, có thêm phản biện độc lập thứ ba. Ở đây, một số vấn
đề cần đổi mới là lựa chọn người phản biện. Theo chúng tôi, người phản biện
phải bảo đảm đủ ba yêu cầu sau: Có các đề tài, bài báo, các sách tham khảo đã công
bố cùng hướng nghiên cứu với chủ đề của đề tài; có thâm niên trong nghiên cứu,
giảng dạy và đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học; không cùng cơ sở đào
tạo hoặc nghiên cứu với tác giả đề tài.
Xây dựng các yêu cầu đánh giá, thẩm định đề tài cho
người phản biện. Theo chúng tôi, một bản phản biện cần bao gồm các nội dung
sau: Những đóng góp của đề tài cho lĩnh vực học thuật, có thể là những đóng góp
về lý thuyết, thực nghiệm hay phương pháp; mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của
đề tài với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó; công bố kết quả
nghiên cứu trên các tạp chí khoa học hàng đầu của ngành; các yêu cầu bắt buộc
của ngành; các yêu cầu bắt buộc của người phản biện đối với tác giả để hoàn
thiện đề tài; những gợi ý sửa chữa, bổ sung của người phản biện đối với đề tài.
Ðề tài cần được đánh giá theo bốn mức: Xuất sắc, khá,
đạt và không đạt. Ðề tài loại "xuất sắc" là đề tài có bài được đăng
tải trên tạp chí quốc tế. Ðề tài loại "khá" phải có bài báo đăng tải
trên tạp chí hàng đầu của ngành. Ðề tài loại "đạt" phải có bài báo
đăng tải trên tạp chí khác hoặc kỷ yếu hội thảo quốc gia. Nếu không
có bài được đăng tải, đề tài xếp loại "không đạt".
Bước hai: Thành lập hội đồng để đánh giá, nghiệm
thu đề tài. Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm các thành phần: Chủ tịch, thư ký và
hai phản biện (từ các phản biện kín). Trong buổi nghiệm thu cần thực hiện những
việc sau: Chủ nhiệm đề tài trình bày trước hội đồng việc tiếp thu, sửa chữa, bổ
sung đề tài theo yêu cầu của các phản biện. Trao đổi khoa học giữa chủ nhiệm đề
tài với hội đồng đánh giá nghiệm thu; quyết định của hội đồng đánh giá nghiệm
thu. Nếu chưa đạt, chủ nhiệm tiếp tục sửa chữa, bổ sung và hội đồng sẽ thẩm định
lại một lần nữa.
Bảo đảm tài chính và các điều kiện thực hiện đề
tài. Thời gian của đề tài cấp trường nên là hai năm, bởi lẽ với thời gian đó,
chủ nhiệm đề tài mới có điều kiện tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu,
xây dựng mô hình thử nghiệm kết quả, đồng thời mới có điều kiện đăng tải được
trên tạp chí khoa học. Tăng cường năng lực quản lý đề tài của các phòng khoa
học và công nghệ trong các trường đại học để có đủ điều kiện về nguồn lực thực
hiện tổ chức quản lý đề tài theo hướng khuyến khích đăng tải kết quả trên tạp chí
quốc tế như một số giải pháp nói trên.