KHCN tuần qua: Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam
Sự kiện này đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới, sau Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ấn nút thử nghiệm 5G đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
1. Thử nghiệm thành công cuộc gọi đầu tiên tại Việt Nam bằng công nghệ 5G
Ngày 10/5, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đã thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.
Tại sự kiện, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt 1,5-1,7Gbps - vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương tốc độ của cáp quang thương mại. Đại diện Viettel cho biết sẽ mở rộng thử nghiệm 5G tại Hà Nội, TP HCM.
Sự kiện này đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới, sau Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
2. Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ lần đầu tiên tại Việt Nam có chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" và với khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam".
Thủ tướng tham quan triển lãm, dự diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Đây là sự kiện được Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức nhằm xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Mục tiêu của diễn đàn là muốn biến các doanh nghiệp công nghệ trong nước trở thành một động lực để đột phá nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước phát triển.
3. Việt Nam chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện gene kháng kháng sinh
Đây là kết quả đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gene kháng kháng sinh", do Phó giáo sư Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 làm trưởng nhóm.
PGS, TS Lê Hữu Song và cộng sự nhận Giải thưởng Alexander Yersin về bài báo quốc tế có ảnh hưởng lớn năm 2018.
Bộ sinh phẩm này có khả năng loại bỏ hơn 98% ADN người trong mẫu máu và khuếch đại lượng ADN của mầm bệnh. Nhờ vậy, khả năng phát hiện mầm bệnh tăng từ 34% lên 54%, rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh còn 4-6 giờ so với 48-72 giờ của phương pháp cấy máu truyền thống chỉ vời 1-2ml máu.
Hiện tại, công trình nghiên cứu đã được triển khai chẩn đoán thường quy tại Bệnh viện 108 với gần 1.000 ca xét nghiệm, và một số bệnh viện lớn như 175, Quân y 103, Bệnh nhiệt đới Trung ương. Giá thành của bộ sinh phẩm mới cũng thấp hơn gần một nửa so với thiết bị đang dùng.
4. Việt Nam sử dụng thêm thuốc chống nghiện ma túy
Sau 4 năm thử nghiệm với kết quả khả quan, bộ Y tế chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, bổ sung thêm một sự lựa chọn bên cạnh thuốc Methadone. Hiện tại, thuốc được triển khai tại 3 tỉnh miền núi Điện Biên, Sơn La và Nghệ An, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành phố.
Thuốc Buprenorphine. Ảnh: Vox.
Thuốc Buprenorphine giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, phòng các bệnh lây truyền qua đường máu và có tác dụng kéo dài hơn loại thuốc Methadone đang lưu hành.
5. Chỉ còn 37% số sông dài nhất thế giới được chảy tự do
Nghiên cứu mới nhất về tình trạng kết nối của các con sông do 34 nhà khoa học đến từ Đại học McGill, WWF cùng các tổ chức nghiên cứu khác vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature cho thấy trong số 246 con sông dài nhất trên thế giới chỉ còn 37% trong số này còn được chảy tự do.
Đập thủy điện Pak Beng xây dựng trên dòng Mekong. Nguồn: Pak Beng Hydropower project.
Bên cạnh đó, chỉ còn 21 trong số 91 dòng sông trên thế giới, với chiều dài hơn 1.000km và chảy ra biển, vẫn giữ được kết nối trực tiếp từ đầu nguồn ra đại dương. Sự suy giảm này ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đe dọa sự tồn tại của đồng bằng và suy giảm hệ sinh thái toàn cầu.
6. Dùng CO2 để làm sạch không khí
Thông qua việc biến CO2 thành đá vĩnh cửu, các nhà khoa học Iceland hóa lỏng khí CO2, hòa tan vào nước rồi vận chuyển đến một máy bơm áp lực cao. Tại đây, chúng được bơm vào các tảng đá sâu 1000m dưới lòng đất.
Nhờ phản ứng khoáng hóa với các đá gốc xung quanh, chúng sẽ biến thành đá cứng thay vì gây ô nhiễm không khí. Các thử nghiệm cho thấy bước đầu thành công của dự án này.
7. Mẫu giày thông minh giúp theo dõi sức khỏe
Digitsole Smartshoe là loại giày da siêu nhẹ, chống nước, thiết kế thời trang từ công ty Digitsole (Pháp). Thông qua ứng dụng trên điện thoại, người dùng tùy ý theo dõi sức khỏe, điều chỉnh nhiệt độ, độ rộng của giày.
Mẫu giày Digitsole Smartshoe mới của hãng Digitsole (Pháp).
Hoạt động bằng pin, chiếc giày hoạt động tối đa 2 tuần. Khi hết pin, người dùng có thể chuyển qua chế độ điều chỉnh thủ công bằng cách kích hoạt nút hỗ trợ trên thành của giày.
8. Ra mắt trang phục mai táng vĩnh hằng
Trước thực trang sự phân hủy trực tiếp của xác người giải phóng nhiều chất độc hại vào môi trường, công ty Coeoi (Mỹ) đã phát minh bộ đồ mai táng vĩnh hằng.
Trang phục mai táng vĩnh hằng có thể thay thế quan tài.
Làm bằng các sợi bông hữu cơ từ nấm và một số tổ chức vi sinh, trang phục giúp hỗ trợ phân hủy, thanh lọc độc tố trong cơ thể và đất để hỗ trợ phát triển cây trồng. Sau khi qua đời, thi hài được mặc bộ đồ trên và chôn sâu dưới 1.2m, có thể không cần quan tài.
9. Phát hiện cây vô tính cực hiếm đã 2.624 năm tuổi
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Research Communications, các nhà khoa học nghiên cứu ở vùng đầm lầy Bắc Carolina, miền đông nước Mỹ, đã phát hiện ra một cây bách hói (Taxodium distichum) ít nhất 2.624 tuổi.
Khu vực có cây bách hói cổ đại siêu hiếm trên Trái Đất còn sót lại.
Phát hiện này đã khiến cây bách hói cực quý hiếm trở thành một trong những cây vô tính lâu đời nhất trên thế giới, vượt xa độ tuổi các cây được biết đến trước đây. Hiện tại, quá trình bảo tồn đang được lên kế hoạch.
10. Phát hiện nấm và độc tố gây hại trong thuốc lá điện tử
Một nhóm các chuyên gia tại Trường Y tế cộng đồng Harvard (Mỹ) đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 75 sản phẩm thuốc lá điện tử phổ biến, trong đó bao gồm 37 loại sử dụng một lần và 38 loại dung dịch lấy từ 10 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này tại Mỹ.
Phát hiện nấm và độc tố gây hại trong thuốc lá điện tử.
Kết quả cho thấy 1/4 sản phẩm thuốc lá điện tử dùng 1 lần và hơn 3/4 hộp tinh dầu bán trên thị trường được cho là bị nhiễm độc tố vi khuẩn và nấm gây bệnh phổi. Cùng từ năm 2016, các nhà khoa học cho biết họ đã tìm thấy nhiều hóa chất gây ung thư có trong thuốc lá điện tử.