SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

KHCN và ĐMST: Lực đẩy của sự phát triển đất nước

[17/05/2019 08:06]

Gần 250 đại biểu trong nước, quốc tế thảo luận và cung cấp các ý kiến tham vấn cho định hướng lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 10 năm tới.

Toàn cảnh hội nghị KHCN và ĐMST ngày 15/5 | Ảnh: BTC.

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, trong đó có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân, các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, cùng nhiều các nhà tài trợ và đối tác quốc tế.

Hội nghị đã trình bày 4 báo cáo là kết quả chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) cho giai đoạn 10 năm tiếp theo của Bộ KH&CN, cùng với nhiều phiên thảo luận chuyên sâu lấy ý kiến từ các đại diện quốc gia đang có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo (ĐMST) như Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… và các quỹ, tổ chức thúc đẩy ĐMST toàn cầu. Hội nghị đã gửi đi một số thông điệp đặc biệt quan trọng về sự phát triển STI của Việt Nam giai đoạn tới.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam, thì đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dựa trên tăng năng suất là yêu cầu cấp thiết nếu thời gian tới Việt Nam muốn phát triển vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Việc tăng năng suất sẽ cần phải dựa vào STI, mà để cải cách STI khỏi tình trạng hiện có thì đòi hỏi Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận toàn diện là xây dựng “Hệ thống đổi mới quốc gia” (NIS) bằng cách nâng cấp đồng bộ cả ba khía cạnh: năng lực chính phủ, ưu đãi từ bên ngoài và nội lực công ty.

Xây dựng "Hệ thống đổi mới quốc gia" (NIS) là phương pháp tiếp cận đồng bộ mới cho khoa học công nghệ Việt Nam.

Xét về khía cạnh tăng trưởng trong thời gian qua, bà Cailtin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận xét rằng Việt Nam đã có một nỗ lực rất đáng khen ngợi là đạt được tính tăng trùm và toàn diện, khi quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao mà mức độ bất bình đẳng thấp. Câu hỏi đặt ra là liệu giai đoạn tiếp theo Việt Nam có duy trì được tình trạng đó không? Theo đại diện UNDP, có một số thách thức chính Việt Nam buộc phải hành động sớm.

Đầu tiên là việc phải đổi mới mô hình tăng trưởng mới, từ chỗ phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang việc cần phải năng suất cao hơn dựa trên STI. Thách thức thứ hai là tạo việc làm mới, vì CMCN 4.0 có khả năng lấy đi việc làm của 1 số ngành đã từng là động lực tăng trưởng của giai đoạn trước như nông nghiệp, may mặc, giày da, điện tử… nhưng cũng đồng thời có thể tạo ra công việc mới trong những ngành mà Việt Nam cần phải nhanh chóng bắt kịp với công nghệ quốc tế. Thách thức thứ ba là rủi ro bất bình đẳng tăng khi người dân thiếu những kỹ năng cần thiết cho sự chuyển dịch số và theo kịp với nhu cầu việc làm, đời sống. Cuối cùng là những rủi ro suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Câu hỏi là liệu Việt Nam có giải quyết được những rủi ro đó để không ai bị bỏ lại phía sau không?

Đẩy mạnh STEM từ giai đoạn phổ thông để chuẩn bị cho nhân lực công nghệ tương lai, đặc biệt cần tạo cơ hội cho các em nữ | Ảnh: KHPT.

Trong khi đó, bà Karlee Silver, Giám đốc điều hành tổ chức Grand Challenges Canada, tổ chức đã có vai trò thúc đẩy hơn 1.000 sáng kiến tại hơn 90 quốc gia, đưa ra kiến nghị về việc đào tạo các kỹ năng về khoa học, công nghệ cho các em nhỏ từ cấp phổ thông, đồng thời chăm lo cho những “mầm nom” đó bằng việc đảm bảo thế hệ tương lai được hưởng hệ thống an sinh, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường sống tốt nhất.

Ông Joshua Tabah, Tổng giám đốc Cơ quan Hợp tác Phát triển Canada, cho biết Canada là một đất nước coi trọng việc đầu tư về giáo dục, trong đó khá coi trọng STEM và có nhiều chương trình dành cho trẻ em gái, phụ nữ. Theo ông Tabah, “Việt Nam đang chuẩn bị đổi mới, cũng cần để phụ nữ và trẻ em gái được tham gia vào quá trình này". Kinh nghiệm từ phía Bộ Phát triển quốc tế vương quốc Anh cũng chỉ ra rằng họ có rất nhiều mô hình ĐMST do chính người dân sáng lập và dẫn đầu ở mỗi địa phương. Hiện tại, Anh cũng tạo ra mã nguồn mở cho người dân để họ có thể tiếp cận thông tin, tri thức và đưa ra những ý kiến mới.

“Trong cuộc CMCN lần này, trọng tâm phải là con người - con người phải trở thành nguồn của sự đổi mới sáng tạo và được hưởng lợi từ chính sự sáng tạo đó chứ không chỉ là một chi phí như các cuộc cách mạng trước,” bà Wiesen khẳng định.

Theo báo cáo nghiên cứu về “Tương lai Kinh tế số Việt Nam” do các chuyên gia từ Tổ chức nghiên cứu CSIRO, Úc trình bày tại Hội nghị, ước tính chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. TS. Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của CSIRO, chỉ ra tới 3 kịch bản khác có thể xảy ra bên cạnh kịch bản chuyển đổi số. Việc Việt Nam ở đâu sẽ tùy thuộc rất lớn vào lựa chọn hướng đi và nỗ lực hành động ngay từ bây giờ.

Định vị hoạt động R&D của Việt Nam | Nguồn: VKIST.

Hội nghị còn có bài trình bày của TS. Kum Dongwha, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), đơn vị đã nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi từ những năm 70, góp phần dẫn đến sự phát triển thần kỳ của ngành công nghiệp điện tử-viễn thông tại quốc gia này. “Khi xác định được định hướng thì phải đi tới tận cùng và các nước cần có viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ.” TS. Kum nhấn mạnh. Các viện nghiên cứu sẽ là nơi cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất cho doanh nghiệp, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có thể là công cụ cho quan hệ đối tác công-tư (PPP) hay công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ.

KIST được Chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1966, hiện là cái nôi phát triển khoa học công nghệ nước này. Theo thống kê, các nghiên cứu của viện KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp quốc gia. Để có được thành công trên, KIST được Quốc hội ban hành luật đặc biệt để không bị ràng buộc bởi các luật khác, kể cả ngân sách nhà nước. Mô hình của KIST đã được chính phủ Hàn Quốc chuyển giao cho chính phủ Việt Nam từ năm 2017, thành lập nên Viện Khoa Học Công Nghệ Việt Nam - Hàn Quốc(VKIST) với hoạt động nghiên cứu ứng dụng có quyền tự chủ tự quyết. Trong mô hình định vị về R&D gắn với trình độ ĐMST, TS. Kum chỉ ra rằng Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống nghiên cứu mà các bên tham gia cần sớm phải lấp đầy.

Định vị hoạt động R&D của Việt Nam | Nguồn: VKIST.

Phát biểu về cuối Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, "Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng có một thứ tài nguyên càng khai thác càng sinh sôi nảy nở, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người” và nhấn mạnh “Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị | Ảnh: BTC.

Thủ tướng tin tưởng người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước. Giáo dục và đào tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nhân lực mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo rằng thời gian tới, các bộ ngành địa phương phải nhanh chóng nhận thức rõ hơn vai trò của STI và trách nhiệm thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển thông qua việc kiện toàn khung pháp lý và cơ chế chính sách nhằm “hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm”

Mặc dù đã có những thành quả bước đầu và nhìn thấy cơ hội tiềm năng, nhưng Thủ tướng cho rằng chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật là việc phát triển STI của Việt Nam còn nhiều bất cập trong nhận thức ở các cấp ngành, địa phương; sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý; năng lực STI hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia NIS còn quá non trẻ.

Báo cáo của Viện kinh tế Việt Nam cho thấy việc đầu tư cho KHCN những năm gần đây có xu hướng giảm, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp so với trung bình của thế giới và khu vực. Diễn đàn kinh tế Thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về ĐMST và về năng suất lao động so với một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Do vậy Thủ tướng phát đi thông điệp kêu gọi cả khu vực nhà nước và tư nhân đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho KHCN thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ trở thành đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn gồm: (i) hoàn thiện khung pháp lý, (ii) phát huy vai trò của viện trường trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho ĐMST (iii) thúc đẩy liên kết các mạng lưới ĐMST trong và ngoài nước. (iv) xây dựng năng lực quản trị nhà nước và hoàn thiện thể chế cho ĐMST (v) phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới trên những ngành Việt Nam có thế mạnh.

Phát biểu đáp lại, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và sớm trình những chiến lược, giải pháp, chính sách của ngành KHCN trong quý II và quý III tới để các thay đổi này sớm có hiệu lực trong thời gian gần nhất.

www.khoahocphattrien.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ