SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Tiên phong phát hiện dịch bệnh mới nổi

[24/05/2019 09:12]

Dù thành lập sau nhiều đơn vị nghiên cứu nhưng Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lại trở thành nơi tiên phong trong phát hiện một số bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nhiều công bố quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu thú y.

 

GS.TS Nguyễn Thị Lan, trưởng Phòng thí nghiệm và là Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hai, từ trái sang) cùng các sinh viên. Nguồn: tainguyenmoitruong.

Đủ năng lực phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Câu chuyện thời sự về sự lây lan của Bệnh dịch tả lợn châu Phi, một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khiến hàng triệu con lợn trên thế giới bị tiêu hủy, tại Việt Nam được bắt đầu từ chính Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y này. Khi kiểm tra mẫu bệnh phẩm gửi từ một trại lợn ở Hưng Yên bằng kỹ thuật khuếch đại gene (PCR) và khuếch đại gene thời gian thực (Real-time PCR), các thành viên của phòng thí nghiệm giật mình thấy kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Vào thời điểm bắt đầu dịp nghỉ Tết nguyên đán đó, họ hiểu rằng, dịch bệnh đã xuất hiện ở Việt Nam. Quá trình tập trung ứng phó, triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch của ngành nông nghiệp Việt Nam ngay sau đó đã bắt đầu từ sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu như vậy.

Nhưng nỗ lực của Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y không chỉ dừng lại ở việc phát hiện dịch bệnh. Sau đó hơn hai tháng, họ đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ trên tạp chí Emerging Infectious Diseases1, đây là tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm mới nổi với chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) là 7,4.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều “ca” trong suốt 6 năm hoạt động của Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y. Trong những năm gần đây, khi công việc đã đi vào nề nếp và “tay nghề” của các thành viên đều được nâng lên thì phòng thí nghiệm là nơi thường xuyên phát hiện ra các căn bệnh mới hoặc những chủng vi sinh vật mới gây bệnh tại Việt Nam, ví dụ phòng thí nghiệm đã phát hiện ra Delta coronavirus gây bệnh tiêu chảy trên lợn tại Việt Nam có triệu chứng lâm sàng giống với bệnh tiêu chảy cấp trên lợn do virus PED và TGE gây ra; phát hiện ra biến chủng virus mới O/SEA/Mya- 98 gây bệnh lở mồm long móng (O/SEA,Mya - 98) trên đàn lợn tại Việt Nam cuối năm 2018…

Những kết quả nghiên cứu này đều được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín với tác giả chính đều là những nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y như GS.TS. Nguyễn Thị Lan - trưởng phòng thí nghiệm hoặc PGS.TS. Lê Văn Phan - phó phòng thí nghiệm. Thực hiện hàng loạt nghiên cứu trên, với mức độ xuất bản 17 công bố ISI trong vòng ba năm trở lại đây và là một trong hai đơn vị có công bố nhiều nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu đó giúp cho các nhà nghiên cứu cảm thấy tự tin trong những cuộc trao đổi về chuyên môn với những đồng nghiệp trong nước, đồng thời tạo được một vị trí nhất định trong môi trường học thuật quốc tế. “Nếu như trước đây, để phát hiện ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người hoặc vật nuôi, giới khoa học trong nước đều cần tới sự hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế thì nay các nhà nghiên cứu của chúng tôi đều có đủ năng lực phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và xuất bản những công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Nó cho thấy một điều rõ ràng là chúng tôi bắt đầu làm chủ được các kỹ thuật chẩn đoán bệnh hiện đại, phát hiện được các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái nổi”, PGS.TS. Lê Văn Phan nhận xét.

Anh cũng cho biết thêm, “trong nghiên cứu, muốn đi nhanh và đi xa thì cần phải đi chung với nhiều người”, và để có được những kết quả nghiên cứu này, ngay từ những ngày đầu thành lập, anh và các đồng nghiệp đều phải nỗ lực kết nối, tham gia vào các mạng lưới nghiên cứu thú y của châu lục và thế giới cũng như hợp tác nghiên cứu với nhiều tổ chức của thế giới như Tổ chức Năng lượng thế giới - FAO, Tổ chức Thú y thế giới - OIE… Chẳng hạn, nếu không có sự hợp tác từ các nhóm nghiên cứu quốc tế thì có lẽ việc phát hiện Bệnh dịch tả lợn châu Phi không nhanh chóng đến vậy. Ngay khi Trung Quốc phát hiện một loạt các ổ dịch này, phòng Thí nghiệm đã chuẩn bị tinh thần “ứng phó” nhưng không hề có Kít thử nghiệm. Và chính PGS.TS. Lê Văn Phan phải liên hệ, bỏ tiền túi để nhanh chóng mua bộ Kit từ công ty Median Diagnostics, Hàn Quốc để phục vụ cho xét nghiệm.

Trong quá trình nghiên cứu, các thành viên của Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y cũng đã phân lập thành công nhiều chủng vi sinh vật gây bệnh trên gia súc và gia cầm như virus gây bệnh Ca rê (sài sốt) ở chó mèo, parvo virus trên chó, virus Dịch tả lợn châu Phi, virus gây hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS), virus dịch tả lợn cổ điển (CSF), circo virus type 2 ở lợn (PCV2), virus gây tiêu chảy cấp ở lợn (PED), virus Newcastle, virus đậu dê, virus viêm gan vịt, virus dịch tả vịt... Những chủng vi sinh vật phân lập được trong nước sẽ là nguồn nguyên vật liệu vô cùng quan trọng phục vụ các nghiên cứu sản xuất vaccine, kít chẩn đoán, các chế phẩm sinh học, bảo tồn quy gene vi sinh vật…

Với một đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực thú y thì việc giúp nông dân phát hiện nhanh dịch bệnh và cung cấp các sản phẩm chẩn đoán và điều trị hiệu quả như vậy cũng trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Ngược lại, nó cũng góp phần mang lại uy tín cho phòng thí nghiệm, giúp nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều trang trại, hộ nông dân chăn nuôi. Do đó, mặc dù không có ưu thế là sở hữu một mạng lưới nhân viên thú y ở khắp cả nước như hệ thống ngành dọc của ngành thú y, nhưng phòng thí nghiệm lại vẫn có được lực lượng “thông tin viên” về tình hình dịch bệnh ở động vật – từ chính những hộ chăn nuôi cung cấp mẫu bệnh phẩm ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu lâm sàng ban đầu của bệnh. Ngay câu chuyện về dịch tả lợn châu Phi, việc có được mẫu bệnh phẩm không phải là ngẫu nhiên, “vô tình” người dân gửi mẫu tới. PGS. TS. Lê Văn Phan cho rằng, có hai nguyên nhân: thứ nhất, người chăn nuôi tin cậy vào năng lực của các nhà nghiên cứu ở đây và chủ động gửi mẫu bệnh phẩm đến; thứ hai, mạng lưới “thông tin viên” là chính các sinh viên ngành nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và những sinh viên đã từng làm việc ở phòng thí nghiệm đến giờ đã đủ dày để “phủ sóng” ở nhiều tỉnh thành, giúp phòng thí nghiệm trở thành nơi sớm có mẫu.

Áp lực từ chính công việc

Có một điều đặc biệt ở phòng thí nghiệm này là áp lực từ chính công việc, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” với dịch bệnh, các nghiên cứu viên luôn ở trong tình trạng sẵn sàng thực địa ngay sau khi nhận được tin báo từ các địa phương. “Mọi người trong gia đình tôi thường xuyên ngạc nhiên bảo ‘sao xe bẩn thế’, vì lúc nào tôi cũng phải tới trại chăn nuôi, xe chưa kịp rửa đã lại đi tiếp, cốp xe thì toàn dao mổ khám”, TS. Bùi Thị Tố Nga, nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm, đồng thời là Phó trưởng bộ môn Bệnh lý Thú y, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nói. Với chị và đồng nghiệp, công việc không chỉ dừng lại ở trong cánh cửa phòng thí nghiệm mà còn mở rộng ra tới các cơ sở chăn nuôi, chủ động tìm hiểu vấn đề và nắm bắt diễn biến mới.

Vào những đợt “cao điểm” như nghiên cứu phân lập virus nhằm tìm ra giải pháp đối phó với dịch tả lợn châu Phi, GS.TS. Nguyễn Thị Lan liên tục nhắc nhở mọi người kiểm tra và cập nhật kết quả nghiên cứu theo... từng ngày. “Nhưng trong bối cảnh xã hội đang chờ đợi như vậy, việc ngày nào cũng bị hỏi ‘làm tới đâu rồi’, ‘có kết quả gì chưa’ lại khiến các anh em cảm thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa. Chúng tôi hiểu rằng đằng sau câu hỏi đó là mong muốn nhanh chóng có được những kết quả nghiên cứu mới phục phụ công tác phòng chống dịch bệnh”, PGS.TS. Lê Văn Phan chia sẻ. Kể từ thời điểm phát hiện ổ dịch tả lợn châu phi đầu tiên trong tết Kỷ Hợi cho tới nay, hầu như không ngày nào phòng thí nghiệm không sáng đèn. Trong hai lần chúng tôi tới phòng thí nghiệm, các cán bộ hành chính ở đây liên tục bận rộn với các cuộc gọi điện thoại thông báo nhận hoặc trả kết quả xét nghiệm. Khi một số địa phương đã phát hiện hoặc kiểm soát được một số ổ dịch, người dân địa phương vẫn liên tục gửi mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn chăn nuôi và mẫu nước tới đây để xét nghiệm virus.

Sức ép công việc lớn như vậy nhưng phòng thí nghiệm lại chỉ có 10 cán bộ nhân viên (tính cả bộ phận hành chính). Việc thiếu nguồn nhân lực càng khiến các nhà khoa học tại đây cố gắng tập trung nhiều cho công tác đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, một mặt phục vụ nhiệm vụ đào tạo của trường, mặt khác hỗ trợ chính công tác nghiên cứu của phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, việc thu hút học viên sau đại học có năng lực và trình độ lại không hoàn toàn dễ dàng, vì không có nguồn ngân sách học bổng cho nghiên cứu sinh, học viên cao học để họ chuyên tâm vào nghiên cứu trong khi nguồn đề tài từ ngân sách không đủ để cấp học bổng cho học viên. Để giải quyết vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Thị Lan và PGS.TS. Lê Văn Phan đã cùng liên kết nghiên cứu với các nhà nghiên cứu thuộc một số cơ sở nghiên mạnh trong khu vực như Đại học Miyazaki – Nhật Bản, Đại học Hàn Quốc (Korea University)… xây dựng các dự án nghiên cứu chung, đề xuất và tìm kiếm tài trợ cho nghiên cứu, qua đó có được ngân sách nhất định để hình thành “học bổng giáo sư” – hỗ trợ toàn bộ chi phí thực hiện nghiên cứu, học phí và sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh, học viên cao học.

Tuy vậy, tới đây “việc thu hút nghiên cứu sinh xuất sắc sẽ ngày càng khó khăn hơn, vì các bạn giỏi, tiếng Anh tốt thì muốn đi tìm môi trường học tập ở nước ngoài, trong các phòng thí nghiệm lớn”, PGS.TS Lê Văn Phan nói. Do đó, “không có cách nào khác, chính các giáo sư trong phòng thí nghiệm phải liên tục công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, hội nhập được với môi trường quốc tế, đem lại uy tín quốc tế cho phòng thí nghiệm để thu hút sinh viên trong nước và quốc tế”.

Chú thích:

1 Van Phan Le et al, Research Letter Outbreak of African Swine Fever, Vietnam, 2019. Emerging Infectious Diseases. Nguồn: https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/25/7/19-0303_article/

www.khoahocphattrien.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ