SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiểm họa khó lường từ những món đồ chơi cho trẻ em có kích thước nhỏ

[30/05/2019 09:20]

Đồ chơi được nhiều người lựa chọn làm quà cho bé nhất là vào các dịp ngày lễ, tết, sinh nhật hoặc ngày 1/6. Tuy nhiên, việc chọn mua đồ chơi cho trẻ sao cho an toàn thì không phải ai cũng biết.

Đồ chơi trẻ em đôi khi trở thành 'hung thủ' gây ra các tai nạn thương tâm. Ảnh: Tiền Phong

Hiểm họa từ những món đồ chơi có kích thước nhỏ

Đồ chơi trẻ em đôi khi trở thành 'hung thủ' gây ra các tai nạn thương tâm, nhất là các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, dễ khiến trẻ nuốt phải.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa tiếp nhận một bé gái ở Bình Phước nhập viện trong tình trạng liên tục nôn ói trong hai ngày, không đi tiểu được, bụng trướng. Qua thăm khám và X-quang, siêu âm, bác sĩ xác định bé bị tắc ruột. Thế nhưng, bác sĩ lại không phát hiện được dị vật.

Phẫu thuật điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ phát hiện đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị phình rất to, đoạn phía dưới thì xẹp. Dị vật được lấy ra có dạng một khối chất dẻo, gồm nhiều hạt như viên bi (đường kính 2,5 cm) kết dính lại, làm bít đường ruột của bé.

Bác sĩ Phan Ngọc Duy Cần, Trưởng Khoa Khám và Điều trị trong ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, qua tìm hiểu với gia đình, mới biết dị vật đó là “hạt nở”.

Hạt nở là một loại đồ chơi của trẻ em. Đây là những hạt chất dẻo nhỏ, có nhiều kích cỡ, bình thường có đường kính khoảng 2-5 mm. Khi ngâm vào nước, hạt sẽ nở lớn ra. Có thể nở to gấp hơn 100 lần ban đầu.

Các hạt này có màu sắc sặc sỡ nên được nhiều trẻ em thích thú. Hạt nở cũng được bán rất phổ biến tại các cửa hàng đồ chơi và giá rẻ (chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng mỗi bịch 200 gram).

Cách đó không lâu, một bé trai 6 tuổi ở Đồng Nai bị ngưng tim, ngưng thở do nuốt phải lõi kèn nhựa trong lúc thổi. Theo người nhà của bé trai này, trước đó, thấy bé thích kèn nhựa để thổi, nằng nặc đòi mua nên mẹ cháu đã mua cho cây kèn trong bịch kẹo. Sau khi thổi chiếc kèn nhựa này, bé đã vô tình nuốt phải lõi kèn vào trong. Sau đó bé tím tái, hơi thở rời rạc.

Tương tự, ngày 31/10/2018, bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một bệnh nhi có triệu chứng nước mũi chảy kèm theo máu, ho và đau đầu sau đó sốt cao nhiều ngày nhưng không khỏi.

Sau khi kiểm tra và thăm khám các bác sĩ tại đây đã lập tức được nội soi tai – mũi – họng để chuẩn đoán bệnh. Qua hình ảnh nội soi, các bác sĩ phát hiện trong có khối dị vật nằm sâu trong hốc mũi phải và tiến hành gắp dị vật là một viên bi nhựa có đường kính 0,5cm.

Những lưu ý khi chọn mua đồ chơi cho trẻ

Những trường hợp trên một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Để chọn đồ chơi cho trẻ ngày 1/6 các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

Về kích thước: Đối với những bé dưới 2 tuổi, thì điều đầu tiên cha mẹ nêu lưu ý chính là kích thước và trọng lượng của đồ chơi. Không chọn mua những loại có kích cỡ nhỏ, gồm nhiều phần có thể tách rời, đề phòng bé có thể bị hóc, nghẹn khi cho chúng vào miệng.

Đối với những bé dưới 2 tuổi, thì điều đầu tiên cha mẹ nêu lưu ý chính là kích thước và trọng lượng của đồ chơi. Ảnh minh họa

Vì trong giai đoạn này, các bé thường có thói quen cho đồ chơi vào miệng nên cha mẹ có thể lựa chọn đồ chơi thích hợp bằng cách ướm trực tiếp đồ chơi trên miệng của bé. Tránh các loại đồ chơi tròn, nhỏ như viên bi hay các loại có góc, cạnh sắc nhọn có thể làm trầy xước da bé.

Cha mẹ cũng cần phải quan sát, nếu không may loại đồ chơi đó rơi vào người bé thì nó có làm ảnh hưởng gì đến bé không, nếu cầm trên tay thấy nặng thì nên chuyển qua món đồ chơi khác.

Nói đến độ chắc chắn thì các cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra xem các loại đồ chơi dành cho bé có bị bong, rách, hỏng hóc hay tách rời bộ phận không. Vì khi chúng bị hỏng có thể tạo ra những cạnh sắc nhọn, gây tổn thương cho bé. Cha mẹ cũng nên cẩn thận với các loại thú nhồi bông có ruy-băng hay những sợi chỉ thừa hoặc các chi tiết không chắc chắn, bé có thể giật tai, đuôi, mắt thú bông và cho vào miệng.

Về chất lượng: Cha mẹ tuyệt đối không nên chọn mua các loại đồ chơi được làm từ nhựa PVC (một loại nhựa tổng hợp không tốt cho sức khỏe) vì bé rất thích cắn, nhét đồ chơi vào miệng và có thể bị ảnh hưởng bởi chất liệu này (tham khảo chỉ dẫn chất lượng trên mỗi sản phẩm để nhận biết đồ chơi có chứa PVC hay không).

Không nên cho bé chơi những loại đồ chơi của anh (chị) bé đã từng sử dụng bởi lẽ chúng đã không đảm bảo chất lượng. Nên chọn những loại đồ chơi có những sợi dây dài quá 30cm vì bé có thể bị những sợi dây này cuốn vào cổ khi chơi.

Nếu bé đang trong giai đoạn biết bò, cần tránh cho trẻ sử dụng những loại đồ chơi có đính kèm nam châm. Các thanh nam châm có trong đồ chơi có thể rời ra và bé sẽ bị hóc khi bỏ chúng vào miệng. Bé nuốt phải sẽ rất nguy hiểm vì các thanh nam châm này dễ dàng gây xoắn, kẹp ruột bé nếu không được điều trị kịp thời.

Với các bé sơ sinh, nên chọn loại đồ chơi phát ra tiếng nhạc êm ái. Giữ gìn vệ sinh các loại đồ chơi làm bằng chất liệu bông, vải… bạn nên thường xuyên giặt sạch và phơi nắng cho khô. Các loại bằng nhựa, gỗ cha mẹ cũng nên chú ý lau chùi sạch sẽ. Tránh tình trạng nhiễm khuẩn lây lan từ đồ chơi sang cơ thể bé.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ