SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hút thuốc lá thụ động gây nguy cơ sinh non

[02/07/2019 17:06]

Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Ngọc Rạng và Dương Thanh Long - Khoa Nhi, Bệnh viện An Giang thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Sinh non là vấn đề sức khỏe chu sinh quan trọng trên toàn cầu. Ước tính trên thế giới có khoảng 12,9 triệu trẻ sinh non hàng năm và 85% trong số này tập trung ở các nước Phi châu và Nam Á. Tại các nước Đông Nam Á, mỗi năm ước tính có khoảng 11 triệu trẻ sơ sinh ra đời hàng năm, trong đó khoảng 1,5 triệu trẻ sinh non. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ sinh non chiếm khoảng 16,1% trẻ sơ sinh ra đời và là nguyên nhân chính liên quan đến 62% tử vong sơ sinh. Các yếu tố gây sinh non bao gồm tình trạng sức khỏe của mẹ hoặc thai nhi, do di truyền, do ảnh hưởng môi trường, hoặc các yếu tố kinh tế xã hội. Ngoài ra có nhiều yếu tố đi kèm, nhưng không nhất thiết là nguyên nhân trực tiếp gây sinh non gồm chủng tộc, tuổi, tình trạng hôn nhân, nghiện thuốc lá và tiền căn sản khoa. Một nghiên cứu tại Việt Nam nhận thấy các yếu tố nguy cơ gây sinh non gồm tiền sử mẹ sinh non, lao động nặng, thiếu chăm sóc lúc mang thai, xuất huyết âm đạo và tiền sử có đặt vòng ngừa thai.

Nghiên cứu tất cả các bà mẹ có con < 28 ngày tuổi nhập viện vào khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2010. Các bà mẹ được phỏng vấn và thu thập thông tin theo biểu mẫu câu hỏi đã soạn sẵn gồm: tuổi mẹ, tình trạng học vấn, số lần sinh, tiền sử sinh non, mẹ mắc bệnh mạn tính, tiền sử khám thai (số lần khám thai), tình trạng lao động, thu nhập gia đình, chồng hoặc người nam sống chung trong gia đình có hút thuốc lá. Các biến nghiên cứu: Biến kết cục: Sinh non được định nghĩa khi trẻ sinh dưới 37 tuần thai, tính theo ngày có kinh lần chót hoặc dựa vào siêu âm khi không xác định được ngày kinh chót. Biến dự đoán: Mẹ bị nhiễm thuốc lá thụ động trong thời gian mang thai do chồng hoặc người sống chung trong gia đình có hút thuốc lá. Các hiệp biến: Tình trạng học vấn: được chia 2 nhóm (mù chữ và tiểu học, trung học và trên trung học). + Thu nhập: được chia 2 nhóm (thu nhập thấp, thu nhập trung bình và trên trung bình). Thu nhập thấp được định nghĩa theo tiêu chuẩn của Việt Nam là dưới 750 ngàn đồng mỗi tháng. + Lao động: được chia 2 nhóm (lao động nặng gồm những bà mẹ làm ruộng, làm công nhân hoặc buôn bán lúc mang thai, lao động nhẹ gồm nội trợ hoặc không đi làm). + Bệnh mạn tính của mẹ: suy tim, suy thận, viêm gan mạn + Tiền sử sinh non: có hoặc không có sinh non trong những lần sinh trước. + Chăm sóc tiền sinh: số lần khám thai (biến số liên tục) trong thời gian mang thai. Phân tích và xử lý số liệu được trình bày bằng tỉ lệ cho các biến nhị phân. Các biến số có phân phối chuẩn được trình bày bằng trung bình và độ lệch chuẩn. Các biến số không có phân phối chuẩn được trình bày bằng trung vị và khoảng tứ phân vị (interquartile range). Dùng mô hình hồi quy logistic đa biến đưa vào một lượt (Enter) để hiệu chỉnh các biến nhiễu gồm: tuổi mẹ, thu nhập gia đình, tình trạng lao động, tình trạng học vấn, tiền sử sinh non, tình trạng bệnh tật mẹ và số lần khám lúc mang thai. Tất cả các yếu tố dự đoán và hiệp biến đều được xét đến hiện tượng cộng tuyến hoặc tương tác giữa các yếu tố. Các test có khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p<0,05. Dữ liệu được xử lý bằng phầm mềm SPSS 16.0.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng có 207 cặp bà mẹ-trẻ sơ sinh, trong đó 99 (48%) bà mẹ có con sinh non và 108 (52%) bà mẹ có con sinh đủ tháng. Tỉ lệ mẹ bị nhiễm thuốc lá tại nhà của nhóm có con sinh non là 85,8 % (85/99) và nhóm có con sinh đủ tháng là 57,4% (62/108). Sau khi hiệu chỉnh các yếu tố gây nhiễu trong mô hình hồi quy logistic đa biến gồm tuổi mẹ, trình độ học vấn, mức độ lao động, thu nhập gia đình, số lần khám thai, tiền sử có sinh non hoặc mắc bệnh mạn tính. Kết quả nhận thấy mẹ hút thuốc lá thụ động là yếu tố nguy cơ độc lập gây sinh non với tỉ số odds là 4,68 (KTC 95%: 2,20-9,96) (p=0,000). Mẹ hút thuốc lá thụ động trong lúc mang thai có thể là nguyên nhân gây sinh non.

Tạp chí Nhi khoa, số 5/2012 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài