SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Các dấu hiệu lâm sàng liên quan tổn thương nội sọ trên trẻ chấn thương đầu nhẹ tại bệnh viện Nhi Đồng 2

[04/07/2019 10:29]

Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Huy Luân - Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Chấn thương đầu là nguyên nhân hàng đầu trong các loại chấn thương ở trẻ em, chiếm 75% các loại chấn thương cần nhập viện ở trẻ em và chiếm gần 80% tử vong do chấn thương. Tại Mỹ, nguyên nhân chấn thương thường gặp ở trẻ em là chấn thương đầu. Từ năm 1995 đến năm 2001 có 435.000 ca có tổn thương não nhập khoa cấp cứu và 37.000 ca phải nhập viện hàng năm. Tại Việt Nam, chấn thương đầu ở trẻ em có xu huớng ngày càng tăng. Theo thống kê Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 1996 có 1138 trẻ nhập Khoa Ngoại Thần kinh, năm 2005 có 2448 trường hợp với tỷ lệ tử vong là 1,3%. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ năm 2003- 2005 có 313 ca nhập khoa cấp cứu trong đó có 17 ca tử vong (5,43%). Các yếu tố nguy cơ tổn thương não trên lâm sàng trong nhóm chấn thương đầu nhẹ thường không đặc hiệu, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Do đó có 2 khuynh hướng xảy ra: một là không theo dõi sát bệnh nhi, hai là quá lạm dụng chỉ định chụp CT. scan sọ não. Vấn đề được các bác sĩ quan tâm là dấu hiệu lâm sàng nào giúp đánh giá nguy cơ cao tổn thương não ở trẻ bị chấn thương đầu nhẹ? Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố lâm sàng liên quan tổn thương nội sọ trên trẻ chấn thương đầu nhẹ trẻ em được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tất cả bệnh nhân bị chấn thương đầu nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2010. Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng tỷ lệ một dân số. Với Ζ = 1,96 (α = 0,05), p = 0,5, d = 0,08, Δ =0,05. N = 385 ca. Tiêu chuẩn chọn bệnh là chọn trẻ từ 2 tháng - 15 tuổi bị chấn thương đầu nhẹ, Glasgow 13-15 điểm và được chụp CT. scan sọ não t rong vòng 6 giờ sau khi nhập khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 8/2007 - tháng 4/2010. Tiêu chuẩn loại trừ gia đình không đồng ý tham gia nghiên cứu. Vết thương xuyên thấu sọ. Tiền căn có bệnh lý thần kinh. Xuất huyết nội tạng. Đa chấn thương không được đánh giá ngay lúc nhập viện. Tiến hành thu thập dữ liệu bệnh án mẫu (bệnh nhân bị chấn thương đầu nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2010). Số liệu được nhập bằng phần mềm EPI-INFO 6.04B. Phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 11.05. Phân tích đơn biến đối với biến số định tính thì tìm tần số và tỷ lệ %, đối với biến định lượng thì tìm trung bình và độ lệch chuẩn. Dùng phép kiểm chi bình phương, Fisher’exact test để so sánh tỷ lệ giữa các nhóm. Sự khác biệt có ý nghĩa khi P < 0,05.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 357 ca chấn thương đầu. Tỷ lệ nam/nữ = 1,4/1 Lứa tuổi thường gặp nhất là 3-5 tuổi (35,3%). Đa số các trường hợp chấn thương ở tuyến tỉnh chuyển lên chiếm tỷ lệ 44,8%. Có 146 ca (40,9%) không được xử trí trước khi nhập viện. Nguyên nhân gây tai nạn thường gặp nhất là té ngã (49,6%) và tai nạn giao thông (45,4%). Xe máy là phương tiện gây tai nạn giao thông thường gặp nhất (77,2%). Tỷ lệ đội nón bảo hiểm rất thấp 12,5%. Trong nhóm té ngã lứa tuổi thường gặp nhất là dưới 6 tuổi, trong nhóm TNGT lứa tuổi thường gặp nhất là trên 6 tuổi. Các dấu hiệu lâm sàng có liên quan đến tổn thương nội sọ như: ói trên 6 giờ, số đợt ói, thay đổi hành vi, co giật, mất ý thức, quên sau chấn thương, nhức đầu, điểm Glasgow lúc nhập viện, tri giác xấu dần, dấu thần kinh định vị, kích động, tụ máu da đầu (p < 0,05). Ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do té ngã; trẻ trên 6 tuổi, nguyên nhân do tai nạn giao thông lại chiếm ưu thế. Xe máy là phương tiện gây tai nạn thường gặp nhất. Có sự liên quan giữa các yếu tố lâm sàng, cơ chế chấn thương với tổn thương nội sọ trên chấn thương đầu nhẹ ở trẻ em.

Tạp chí nhi khoa, số 8, 2015 (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ