SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm hiểu mối liên quan giữa test lẩy da, test áp và ige đặc hiệu trong chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em

[05/07/2019 11:11]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê, Thục Thanh Huyền, Lê Thị Minh Hương, Nguyễn Thị Vân Anh, Lê Thị Thu Hương, Lương Thị Liên và Lê Quỳnh Chi - Khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện.

Ảnh minh họa.

Dị ứng ứng đạm sữa bò là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ 2- 3% số trẻ nhũ nhi. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong hiểu biết về cơ chế bệnh sinh, nhưng các công cụ chính xác để chẩn đoán sớm dị ứng thức ăn nói chung và dị ứng đạm sữa bò nói riêng còn rất nghèo nàn. Phương pháp cổ điển để chẩn đoán dị ứng là test lẩy da, thường được sử dụng trong chẩn đoán dị ứng sữa. Bên cạnh đó, một số phương pháp mới như định lượng nồng độ IgE đặc hiệu với đạm sữa bò, test áp (patch test) tỏ ra rất có hiệu quả trong chẩn đoán bệnh dị ứng nói chung và dị ứng đạm sữa bò nói riêng. Tại Việt Nam, kinh tế phát triển dẫn đến lối sống và chế độ ăn cũng thay đổi, số trẻ em dùng sữa bò ngày càng nhiều, kéo theo tỷ lệ dị ứng đạm sữa bò ngày càng tăng. Nghiên cứu của Chu Thị Hà và cơ sở tại Hà nội khi phỏng vấn các bà mẹ cho thấy có đến 12,6% trẻ có các triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, nhưng thực tế qua sàng lọc chẩn đoán thì chỉ 2,1% trẻ thực sự dị ứng nhanh với đạm sữa bò. Tuy nhiên phản ứng với đạm sữa bò còn có cơ chế dị ứng muộn với các triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Các biểu hiện nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng chưa tìm thấy nguyên nhân có thể do nguyên nhân dị ứng đạm sữa bò. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy một trong những nguyên nhân gây táo bón mạn tính ở trẻ em là dị ứng đạm sữa bò. Dị ứng đạm sữa bò là một trong những yếu tố làm xuất hiện và làm nặng lên các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa. Ngoài ra, dị ứng đạm sữa bò thường chẩn đoán nhầm lẫn với bất dung nạp đường lactose.

Nghiên cứu trẻ từ 0- 5 tuổi được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò đến khám tại khoa Miễn dịch- Dị ứng- Khớp, bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 6/2013 đến tháng 3/ 2014. Trẻ có biểu hiện dị ứng ở da hoặc đường tiêu hóa hoặc cả hai. Triệu chứng ở da bao gồm ban ngứa, mày đay cấp, phù mạch và chàm cơ địa. Triệu chứng tiêu hóa gồm nôn, đi ngoài phân lỏng hoặc tiêu chảy. Trẻ có triệu chứng sốc phản vệ, phù mạch, khò khè. Chẩn đoán xác định dị ứng đạm sữa bò dựa vào các bước khai thác tiền sử có các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến việc sử dụng sữa, test lẩy da, test áp và test thử thách với sữa bò (challenge test) như sau: Test lẩy da: Test lẩy da được thực hiện ở mặt trong cẳng tay của trẻ với sữa nghi ngờ dị ứng, sữa đạm thủy phân hoàn toàn, chứng âm và chứng dương. Kết quả biểu hiện bằng đường kính của vết sẩn tính theo mm. Test áp: Được tiến hành trên da vùng lưng của trẻ. Khoảng 20μg bột sữa bò chứa 35g protein/ 100g pha với nước cất để trong các cốc nhôm và dán vào da bệnh nhân. Chứng âm được sử dụng là nước cất. Kết quả đọc sau 48 giờ với các mức: âm tính, nghi ngờ, dương tính (+, ++). Âm tính khi không có bất kỳ biểu hiện nào trên da. Nghi ngờ nếu có đỏ da nhẹ ở vùng tiếp xúc với cốc. Dương tính (+) nếu đỏ da kèm sẩn phù, (++) nếu đỏ da có sẩn phù lan rộng bên ngoài vùng làm test. Định lượng IgE đặc hiệu đạm sữa bò trong huyết thanh bằng phương pháp ELISA được thực hiện tại Khoa Sinh hóa Bệnh viện Nhi Trung ương. Challenge test: Trước khi ăn lại sữa bò, tất cả các sản phẩm nguồn gốc từ sữa bò sẽ được loại trừ ra khỏi chế độ ăn của trẻ trong vòng 2-4 tuần. Nếu trẻ bú mẹ có nghi ngờ dị ứng sữa bò qua đường sữa mẹ, bà mẹ cũng sẽ được yêu cầu loại trừ các sản phẩm nguồn gốc sữa bò ra khỏi chế độ ăn của mình. Nếu trẻ nghi ngờ dị ứng với các thực phẩm khác ngoài sữa, các thức ăn này cũng phải được loại trừ ra khỏi chế độ ăn của trẻ. Trẻ bú mẹ nghi ngờ dị ứng sữa bò sẽ tiếp tục được bú mẹ, trẻ không bú mẹ sẽ được chuyển sang sử dụng các sản phẩm đạm thủy phân hoàn toàn (Nutramigen, Allimentum). Kết quả của test ăn lại sẽ được đánh giá theo các mức: dương tính, âm tính hoặc nghi ngờ. Nếu dương tính là trẻ có dị ứng đạm sữa bò; nếu âm tính là trẻ không bị dị ứng. Nếu kết quả nghi ngờ sẽ được test lần thứ hai. Phương pháp và cách tiến hành nghiên cứu mô tả, thu thập thông tin theo mẫu bệnh án có sẵn về tiền sử, thời gian xuất hiện triệu chứng sau khi sử dụng sữa, các biểu hiện lâm sàng, tiền sử và kết quả thực hiện các test.

Kết quả, có 86,4% bệnh nhân dị ứng sữa bò có biểu hiện ngoài da, 52,3% có biểu hiện đường tiêu hóa. 72,7% trẻ có test lẩy da dương tính với đường kính sẩn phù trung bình 7,3mm. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa test lẩy da và nồng độ IgE đặc hiệu sữa bò. Dị ứng đạm sữa bò biểu hiện sớm và đa dạng ở trẻ nhỏ, do đó cần kết hợp nhiều biện pháp để chẩn đoán sớm và có chế độ ăn thích hợp cho trẻ.

Tạp chí nhi khoa, số 8/2015 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ