SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển thể chất và tinh thần của bệnh nhân thiếu betaketothiolase

[08/07/2019 11:20]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Khánh, Vũ Chí Dũng, Bùi Phương Thảo, Cấn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Hoàn - Bệnh viện Nhi Trung ương, Seiji Yamaguchi - Đại học Shimane - Nhật Bản, Toshiyuki Fukao - Đại học Gifu - Nhật Bản thực hiện.

Ảnh minh họa.

Bệnh thiếu hụt men Mitochondrial acetoacetyl - CoA thiolase (T2 hay Acetyl CoA acetyltranferase 1) hay thường gọi β Ketothiolase là bệnh di truyền lặn nhiễm sắc thể thường. Trên thế giới bệnh được phát hiện lần đầu vào năm 1971 bởi Daum RS. Bệnh được đặc trưng bởi những đợt nhiễm toan ceton không có triệu chứng lâm sàng giữa các cơn. Bệnh thường xảy ra khi sức khỏe của cơ thể có vấn đề như nhiễm trùng, viêm ruột… hoặc ăn quá nhiều protein. Tuổi xuất hiện cơn lần đầu thường từ 6-24 tháng, nhưng có thể xảy ra muộn hơn. Nhiều nghiên cứu không tìm thấy được mối liên quan nào giữa đột biến gen với mức độ nặng, và tuổi xuất hiện cơn đầu tiên của bệnh. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn và phòng được các cơn cấp tính tái phát nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. T2 đóng vai trò trong giáng hóa và tổng hợp ceton ở trong tế bào gan, cũng như xúc tác quá trình giáng hóa của 2-methylacetoacetyl - CoA thành propionyl CoA và acetyl CoA trong quá trình chuyển hoá của isoleucine. Bởi vậy, bệnh nhân (BN) thường bài tiết qua nước tiểu 2-methyl3-hydroxybutyrate, 2-methylacetoacetate and tiglylglycine (các chất chuyển hoá trung gian của isoleucine). T2 cDNA người dài khoảng 1.5 kb và mã hoá tiền chất protein có 427 amino acids, bao gồm polypeptide đầu có 33-amino acid. Gen T2 (ký hiệu gen: ACAT1) dài khoảng 27 kb, gồm 12 exons. Hơn 70 đột biến gen đã được tìm thấy. Nói chung, đột biến gen T2 là dị hợp tử. Phần lớn BN có đột biến đơn độc. Không có đột biến thường gặp được tìm thấy trong bệnh thiếu T2 trên thế giới trước nghiên cứu này (2,5). Đây là bệnh RLCHBS thường gặp ở Việt Nam: trong 9 năm có tới 25 BN trong khi trên thế giới trong 40 năm chỉ có trên 100 BN (1). Là nhóm bệnh hiếm nên trên thế giới chưa có nhiều nghiên cứu về phát triển thể chất, tinh thần cũng như diễn biến tự nhiên của bệnh.

Nghiên cứu 25 BN được chẩn đoán thiếu b keto thiolase bằng kỹ thuật GC/MS tại Học viện Shimane - Nhật Bản và Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2013. 2.2. Sử dụng phương pháp  nghiên cứu mô tả và phân tích kết quả trước và sau điều trị. Lâm sàng: Nghiên cứu phả hệ, tiền sử sản khoa và gia đình, phát triển bệnh tật của trẻ, đặc biệt các đợt tái phát cấp tính nhưng giống nhau, các triệu chứng lâm sang. Xét nghiệm cơ bản: Đường máu, khí máu, amoniac máu, lactat máu, ceton niệu. SGOT, SGPT, CK, LDH, urê, creatinin, điện giải đồ máu & công thức máu, chụp CT. scan sọ não… Theo dõi bệnh nhân: 6 tháng 1 lần. Đánh giá phát triển thể chất chiều cao, cân nặng theo biểu đồ tăng trưởng của WHO năm 2005. Đánh giá phát triển trí tuệ theo test Denver II.

Kết quả, 25 bệnh nhân sinh ra trong 22 gia đình không cùng huyết thống. 24 bệnh nhân có biểu hiện cơn cấp của nhiễm toan chuyển hóa ceton. 2 bệnh nhân được chẩn đoán khi chưa có biểu hiện lâm sàng qua sàng lọc. Tuổi khởi phát bệnh trung bình là 13,6 tháng. 23 bệnh nhân được theo dõi từ năm 2005 đến nay (tuổi từ 16 tháng - 9 tuổi). 2 bệnh nhân tử vong lúc 21 tháng và 5 tuổi. 19 bệnh nhân phát triển tinh thần vận động bình thường với test Denver II từ 80% - 100%. 2 bệnh nhân có chậm phát triển tinh thần trung bình với test Denver II là 55% và 60%. 21 bệnh nhân còn sống có phát triển thể chất trong giới hạn bình thường (- 2SD đến 2 SD). Bệnh có tiên lượng tốt, 90% bệnh nhân phát triển tinh thần vận động bình thường và 100% phát triển thể chất tốt.

Tạp chí nhi khoa, số 8/2015 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ