Ứng dụng phân loại ISVA-1996 trong chẩn đoán và điều trị các bất thường mạch máu ở trẻ em
Nghiên cứu do đồng tác giả Vũ Trung Trực - Khoa Phẫu thuật Tạo hình-Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức và Trần Thiết Sơn - Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Đại học Y Hà Nội thực hiện.
Ảnh minh họa.
Các bất thường mạch máu là loại bệnh lý thường gặp, không chỉ ở trẻ em mà ở cả người trưởng thành. Trong suốt một thời gian dài, việc kiểm soát các bất thường mạch máu gặp nhiều khó khăn và không có sự thống nhất do tính thiếu nhất quán trong phân loại và hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của bệnh lý này. Năm 1996, tại Hội nghị quốc tế lần thứ mười một tổ chức ở Rome - Ý, lần đầu tiên Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu các bất thường mạch máu (ISSVA - International Society for the Study of Vascular Anomalies) đã thống nhất được phân loại các bất thường mạch máu dựa trên đề xuất trước đó của Mulliken và Glowacki năm 1982. Theo đó, các bất thường mạch máu (vascular anomalies) được chia làm hai loại chính gồm các u mạch máu (vascular tumors) và các dị dạng mạch máu (vascular malformations). U mạch máu đặc trưng bởi sự tăng sinh của các tế bào nội mô; trong khi đó dị dạng mạch máu là sự bất thường về cấu trúc hình thể của mạch máu, bệnh có thể nặng lên nhưng không có sự tăng sinh bất thường tế bào nội mô. Các dị dạng mạch máu lại được phân chia theo đặc điểm huyết động học: Nhóm có dòng chảy chậm (low fl ow) bao gồm dị dạng mao mạch, dị dạng tĩnh mạch và dị dạng bạch mạch; nhóm có dòng chảy nhanh (high fl ow) gồm có dị dạng động tĩnh mạch có kèm theo thông động tĩnh mạch. Các loại dị dạng mạch này có thể gặp ở mọi vị trí: đầu mặt cổ, thân mình, tứ chi, bộ phận sinh dục và cả trong các cơ quan nội tạng như não, gan, ống tiêu hoá… Việc điều trị các bất thường mạch máu đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm chẩn đoán hình ảnh can thiệp mạch và các chuyên ngành phẫu thuật: phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật nhi, phẫu thuật hàm mặt, tai mũi họng, da liễu, di truyền học, giải phẫu bệnh và phẫu thuật tạo hình… Ở Việt Nam, trong một thời gian dài các bất thường mạch máu thường được gọi chung chung bởi các tên gọi như “u máu”; “bướu máu” hay “u huyết quản”, chính vì vậy nhiều phương pháp điều trị đã được áp dụng giống nhau cho các loại bất thường khác nhau. Các phương pháp như áp lạnh, tia xạ, tiêm nước sôi… được áp dụng điều trị đã để lại những di chứng nặng nề như loét, hoại tử chảy máu, sẹo xấu… Đồng thời nhiều loại dị dạng mạch lại không được điều trị kịp thời, khối dị dạng lan tỏa vùng đầu mặt cổ hoặc chi thể có thể gây tử vong hay tàn tật.
Trên 53 bệnh nhi dưới 15 tuổi được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức từ năm 2010 đến năm 2012. Các bất thường mạch máu được kiểm soát đa chuyên khoa theo phân loại ISSVA-1996. U mạch máu trẻ em được theo dõi không điều trị hoặc điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, phẫu thuật lấy khối dị dạng động tĩnh mạch có hay không phối hợp với can thiệp gây tắc mạch trước phẫu thuật, tiêm xơ dưới siêu âm hoặc màn tăng sáng với dị dạng tĩnh mạch (Polidocanol) và bạch mạch (Bleomycin) có thể phối hợp phẫu thuật, laser (V-beam) điều trị dị dạng mao mạch... Bệnh nhân được theo dõi chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng và chụp ảnh trước trong quá trình điều trị.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng số 53 bệnh nhân, trong đó 24 nam và 29 nữ (55%). Về vị trí trên cơ thể, các bất thường mạch máu gặp chủ yếu ở vùng đầu mặt cổ (66%), sau đó là chi thể (28%). Về loại dị dạng, dị dạng tĩnh mạch gặp nhiều nhất (41%), u mạch máu trẻ em chiếm 26%. Đối với u mạch máu trẻ em, hầu hết các trường hợp chỉ cần theo dõi và quan sát sự thoái triển, chỉ có 1 trường hợp phải can thiệp phẫu thuật sớm do biến chứng. Đối với dị dạng mạch máu, thể dị dạng động tĩnh mạch được nút mạch và phẫu thuật, dị dạng tĩnh mạch và bạch mạch gây xơ qua da và phẫu thuật. Kết quả tiêm xơ tốt tới 93%, trung bình 2 lần tiêm xơ trên một bệnh nhân, laser điều trị trung bình 3 lần cho dị dạng mao mạch. Theo dõi tối thiểu 6 tháng, tất cả các gia đình bệnh nhân đều hài lòng với kết quả điều trị, không có biến chứng nào được ghi nhận.
Tạp chí nhi khoa, số 8/2015 (ctngoc)