Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, điện não đồ và hiệu quả dự phòng co giật do sốt ở trẻ em
Nghiên cứu do đồng tác giả Cao Xuân Đĩnh và Nguyễn Văn Thắng thực hiện.
Ảnh minh họa.
Co giật do sốt là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Theo thống kê của tác giả Mỹ và châu Âu có từ 3-5% trẻ bị co giật do sốt (CGDS) một lần ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân của sốt thường do nhiễm virus đường hô hấp. Ngày nay, nhiều tác giả đã đề cấp nhiều đến nhiễm virus herpes-6 (HHV-6) ở người. Bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Gen gây CGDS được tìm thấy ở vị trí trên nhiễm sắc thể 19p và 8q13-21, kiểu di truyền trội ở một số gia đình. Có khoảng 10% số trường hợp CGDS có thể chuyển thành động kinh. Về điều trị, có nhiều tranh luận về việc dùng thuốc kháng co giật liên tục hay không dùng thuốc?, thuốc nào được sử dụng tốt nhất. Hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không dùng thuốc dự phòng co giật liên tục cho CGDS đơn thuần và phức hợp. Ở nước ta, việc dự phòng thuốc chống CGDS còn chưa thống nhất, có thày thuốc dùng thuốc dự phòng liên tục cho trẻ có nguy cơ chuyển thành động kinh, liều lượng thuốc hàng ngày cũng không thống nhất. Nghiên cứu nhằm nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và điện não ở trẻ CGDS và hiệu quả dự phòng co giật do sốt ở trẻ em. Với hy vọng đưa ra một khuyến nghị đúng trong dự phòng CGDS ở trẻ em.
Nghiên cứu 328 trường hợp CGDS được điều trị nội trú tại khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi Trung ương từ 6/2005-9/2007. Tiêu chuẩn chẩn đoán CGDS dựa vào định nghĩa của Hiệp hội chống động kinh Quốc tế: Tuổi của trẻ thường gặp từ 1-5 tuổi, có sốt nhưng không do nhiễm khuẩn ở hệ thần kinh, co giật xảy ra khi có sốt, loại trừ các trường hợp co giật do sốt do tiêm vaccin hoặc độc tố, không có tiền sử co giật sơ sinh, hoặc có một cơn giật xảy ra trước đó không do sốt. Tiêu chuẩn chẩn đoán CGDS đơn thuần: Cơn co giật toàn thể, thời gian cơn dưới 15 phút, xảy ra ở một trẻ phát triển bình thường, không có dấu hiệu thần kinh cục bộ, không có cơn thứ 2 trong 24 giờ. Tiêu chuẩn chẩn đoán co giật do sốt phức hợp: một trong 3 dấu hiệu sau: cơn giật cục bộ, thời gian cơn giật kéo dài trên 15 phút, có trên một cơn giật trong 24 giờ. Nghiên cứu mô tả và phân tích, kết hợp nghiên cứu tiến cứu can thiệp giữa hai nhóm can thiệp và nhóm chứng. Số liệu được xử lý theo phương pháp thông kê dịch tễ học trên phần mềm vi tính EPI-IFNO 6.0 của tổ chức Y tế thế giới.
Kết quả, CGDS thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi chiếm 94,21%. Cơn giật xảy ra ở thân nhiệt cao 39-400 (71,95%). Cơn giật xảy ra trong 6 giờ đầu cơn sốt chiếm 29,88%. CGDS đơn thuần chiếm 63,72%, CGDS phức hợp 36,3%, CGDS tái phát 63,4%. Không có sự khác biệt về tái cơn co giật giữa nhóm dùng thuốc chống động kinh hàng ngày và nhóm dự phòng trong đợt sốt, giữa hai nhóm có điện não có hoạt động sóng kịch phát dạng động kinh được dùng thuốc chống động kinh dự phòng hàng ngày và được dùng trong đợt sốt. Khuyến nghị: không dùng thuốc chống động kinh hàng ngày dự phòng CGDS ở trẻ em.
Tạp chí Nhi khoa, số 5/2012 (ctngoc)