Đánh giá vai trò siêu âm trong chẩn đoán và điều trị vết thương xuyên nhãn cầu với phẫu thuật cắt dịch kính
Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Diệu Thu và Nguyễn Thị Thu Yên - Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện.
Ảnh minh họa.
Vết thương xuyên nhãn cầu (VTXNC) là một chấn thương nặng của mắt có thể gây tổn hại không hồi phục về mặt giải phẫu và chức năng của mắt. Nhiều bệnh nhân bị đục môi trường trong suốt như sẹo giác mạc, xuất huyết tiền phòng, đục thể thủy tinh, xuất huyết dịch kính,… làm cho việc đánh giá các tổn thương khó khăn. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, Xquang, chụp CT scan hay cộng hưởng từ. Khám nghiệm siêu âm A và B rất phổ biến, nhanh, rẻ tiền và ít gây hại. Nhưng khả năng bỏ sót tổn thương có thể xảy ra. Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá phù hợp giữa chẩn đoán siêu âm và lâm sàng trong VTXNC; nhận xét vai trò của siêu âm trong kết quả phẫu thuật cắt dịch kính điều trị VTXNC.
Nghiên cứu 50 trường hợp (50 mắt) bị VTXNC nằm điều trị tại khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương từ tháng 9/2007 - 6/2008 có các đặc điểm sau: Môi trường trong suốt (giác mạc, thủy dịch, thể thủy tinh, dịch kính) bị đục. Siêu âm A và B được làm sau khi đã khâu phục hồi vết rách giác, củng mạc hoặc rách giác. Bệnh nhân được cắt dịch kính qua pars plana điều trị bong võng mạc hoặc/và dị vật nội nhãn. Có điều kiện theo dõi trong quá trình tiến hành đề tài. Khám lâm sàng. Xét nghiệm chức năng: đo thị lực, nhãn áp (không làm nếu vỡ nhãn cầu). Khám phát hiện các tổn thương nhãn cầu: giác củng mạc, tiền phòng, mống mắt, đồng tử, thể thủy tinh, dịch kính, võng mạc. Khám cận lâm sàng - Siêu âm A, B: Đánh giá tình trạng dịch kính, võng mạc. Chụp Xquang mắt thường và đặt khu trú Baltin nếu nghi ngờ có dị vật. Điện võng mạc. - CT Scan. Phẫu thuật cắt dịch kính qua pars plana theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Đánh giá kết quả nghiên cứu theo mức độ phù hợp giữa chẩn đoán siêu âm và lâm sàng. Thống kê những trường hợp chẩn đoán siêu âm giống với chẩn đoán lâm sàng trong lúc mổ cắt dịch kính qua pars plana. Tính tỉ lệ % chẩn đoán đúng của siêu âm dựa trên các kết quả thu thập được. Vai trò của siêu âm trong phẫu thuật cắt dịch kính điều trị VTXNC. Kết quả giải phẫu. Đánh giá giải phẫu dựa trên ba mức độ tùy theo tình trạng dịch kính, võng mạc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 84% bệnh nhân được siêu âm trước mổ chẩn đoán chính xác, trong đó bong võng mạc có tỉ lệ đúng 100%, dị vật nội nhãn tỉ lệ đúng 79,5%. Sau mổ, mắt có kết quả thị lực tốt: 24%, trung bình: 24%, xấu: 52%. Kết quả giải phẫu tốt: 42%, trung bình: 26%, xấu: 32%. Bong võng mạc là yếu tố nguy cơ của kết quả phẫu thuật kém. Siêu âm trước phẫu thuật có giá trị trong chẩn đoán và tiên lượng kết quả sau mổ nhưng không ảnh hưởng đến kết quả tốt xấu của mắt phẫu thuật.
Tạp chí nhãn khoa Việt Nam, số 21/2011 (nhnhanh)