SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vai trò siêu âm Doppler tim trong hướng dẫn lập trình tối ưu hóa máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim (CRT) ở các bệnh nhân suy tim nặng theo phương pháp tối ưu hóa thời gian dẫn truyền nhĩ thất

[23/07/2019 11:11]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Trương Thanh Hương, Phạm Như Hùng, Nguyễn Thị Mai Ngọc và Đỗ Kim Bảng - Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

Ảnh minh họa.

Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng tim; dẫn đến tim không còn khả năng đáp ứng các nhu cầu chuyển hóa của cơ thể mà chủ yếu là nhu cầu về oxy, bằng các cơ chế bù trừ khác nhau. Suy tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong những nguyên nhân tử vong do tim mạch. Tại Mỹ hiện có khoảng 5 triệu bệnh nhân đang điều trị suy tim, mỗi năm có trên 500.000 người được chẩn đoán lần đầu suy tim. Số tử vong do suy tim tại Mỹ hàng năm là 250.000 người. Tại Việt Nam, có khoảng 320.000 người đến 1,6 triệu người suy tim cần điều trị. Mặc dù đã có nhiều biện pháp điều trị suy tim nhưng đôi khi không đạt hiệu quả như mong muốn. Thay tim là một biện pháp điều trị suy tim được chỉ định trong tình huống này, tuy nhiên ở Việt Nam thay tim hiện chưa được chỉ định rộng rãi do kinh phí tốn kém và nguồn cho tim hạn chế. Trong những năm gần đây, khái niệm mất đồng bộ co bóp cơ tim đang được đề cập đến nhiều hơn. Mất đồng bộ cơ tim làm nặng nề thêm tình trạng suy tim. Hiện tượng này gặp ở 15-30% ở những bệnh nhân suy tim nặng. Khi đó liệu pháp tái đồng bộ cơ tim (CRT) đã được đề xuất như là một điều trị tiếp theo ở những bệnh nhân suy tim nặng không đáp ứng thuốc. Tại Viện Tim mạch Việt Nam các bác sỹ đã tiến hành cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ co bóp cơ tim cho các bệnh nhân suy tim nặng và đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên đôi khi có các bệnh nhân đã được cấy máy tái đồng bộ cơ tim chưa có được hiệu quả điều trị như mong muốn. Tham khảo một số tài liệu tác giả có thể dùng siêu âm Doppler tim để hướng dẫn lập trình tối ưu hóa hiệu quả của máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim. Để đạt được hiệu quả điều trị tối đa từ CRT, điều quan trọng là phải tối ưu hóa lợi ích thu được của CRT. Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau để tối ưu hóa CRT. Mỗi phương pháp đều có những ưu và khuyết điểm khác nhau đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng. Trong đó phương pháp tối ưu hóa thời gian dẫn truyền nhĩ thất là rất quan trọng vì tối ưu thời gian đổ đầy thất cải thiện chức năng tim trong hầu hết các trường hợp. Mục đích của tối ưu hóa dẫn truyền AV là để tránh tâm thất trái co sớm trong khi chưa được đổ đầy máu. Các báo cáo sớm đã chỉ ra rằng các bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối với máy tạo nhịp hai buồng có sự cải thiện đáng kể chức năng tim với dẫn truyền AV ngắn. Các nghiên cứu sâu hơn tuy vậy lại không chỉ ra được các tác động có lợi khi cho thời gian dẫn truyền AV ngắn. Thay vào đó các tác giả đã chứng minh vai trò của khả năng mỗi bệnh nhân tự đáp ứng với thiết bị CRT với sự chậm chễ AV tối ưu, thậm chí thay đổi sự chậm chễ dẫn truyền AV đã thay đổi không đáng kể chức năng tim. Một số tác giả suy đoán rằng sự cải thiện ở những bệnh nhân suy tim bằng tối ưu hóa sự dẫn truyền AV dựa trên sự thay đổi trình tự cơ học của dẫn truyền nhĩ thất và trình tự kích hoạt hai tâm thất. Vì vậy có thể suy đoán rằng tối ưu hóa dẫn truyền AV là một yếu tố quan trọng ở những bệnh nhân được hưởng lợi từ CRT. Một số nghiên cứu cho thấy rằng tối ưu hóa dẫn truyền nhĩ thất ảnh hưởng tích cực tới huyết động học mặc dù tạo nhịp hai buồng thất đóng một vai trò tích cực đối với cải thiện chức năng tim.

Bệnh nhân đã được cấy máy tái đồng bộ cơ tim (CRT) tại Viện Tim mạch Việt Nam theo quy trình đã được thống nhất theo tiêu chuẩn như Hướng dẫn của Hội Tim mạch học Mỹ năm 2008 cũng như guideline của Hội Tim mạch học Việt Nam năm 2011 như sau: - Bệnh nhân suy tim có độ NYHA III và IV. Siêu âm tim có EF ≤ 35%. - Nhịp xoang. Điện tim đồ có thời gian phức bộ QRS > 120 ms. Bệnh nhân đã được điều trị tối ưu bằng các thuốc chống suy tim. Loại khỏi các bệnh nhân có biến chứng do đặt máy CRT: tuột điện cực, kích thích cơ hoành, rối loạn nhịp mới xuất hiện. Đang mắc các bệnh lý khác như viêm phổi, ung thư ... - Không đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có theo dõi dọc kết hợp hồi cứu một phần tư liệu ở một số bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân đã được cấy máy CRT đều có bệnh án điều trị nội trú trong thời điểm trước khi cấy máy điều trị tái đồng bộ. Bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm như: Điện tim đồ; Xquang tim phổi; Sinh hóa máu Siêu âm hướng dẫn lập trình Địa điểm tiến hành: Phòng Thăm dò siêu âm tim, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Phương tiện: - Máy lập trình: Vitawar của hãng Medtronic. Máy siêu âm màu IE 33 của hãng PHILIPS có đầy đủ các loại thăm dò siêu âm hiện đại như: Kiểu TM, 2D, Doppler xung, Doppler liên tục và Doppler màu. Quy trình tiến hành làm siêu âm tim hướng dẫn tối ưu hóa máy tạo nhịp tim: Bệnh nhân được siêu âm tim qua thành ngực là phương pháp tối ưu hóa hiệu quả CRT. Trong nghiên cứu này chỉ sử dụng phương pháp xem xét sự biến thiên của các giá trị VTI động mạch chủ với các khoảng AV khác nhau vì mối tương quan của phương pháp này với dP/dt thất trái là khá chặt chẽ. Để tối ưu hóa hiệu quả CRT theo khoảng thời gian dẫn truyền nhĩ thất (AV) chúng tôi điều chỉnh máy lập trình 5 lần sao cho khoảng cách AV tăng dần 10 ms/1lần từ 150 ms tới 200 ms. Tương ứng với mỗi mức AV, tiến hành làm siêu âm tim và xác định các thông số siêu âm sau: EF, VTI, SV, CO, diện tích hở hai lá trên siêu âm màu và tần số tim tương ứng. Sau khi đã chọn được khoảng AV thích hợp nhất cho bệnh nhân, xác định được các thông số siêu âm và nhịp tim ở gói lập trình tối ưu hiệu quả CRT này, các thông số này sẽ được đem so sánh với kết quả tối ưu hiệu quả CRT do máy tạo nhịp tim tự động lựa chọn. Xử lý số liệu thu được trên máy tính bằng các thuật toán sử dụng các chương trình phần mềm SPSS.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo dõi sau 1 tháng cấy máy CRT cho thấy khi tối ưu hóa dẫn truyền nhĩ thất nếu đặt thời gian dẫn truyền khoảng thời gian dẫn truyền nhĩ thất ở mức 170 ms có thể làm giảm sự mất đồng bộ cơ tim rõ nhất. Cung lượng tim và mức độ hở hai lá biến đổi nhiều khi thay đổi thời gian dẫn truyền nhĩ thất.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 77, 2016 (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ