SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá sự biến đổi chức năng thất phải trên siêu âm đánh dấu mô cơ tim sau bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da

[31/07/2019 16:42]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Kim Ngọc Thanh, Đỗ Doãn Lợi, Trương Thanh Hương và Lê Tuấn Thành thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Thông liên nhĩ là tình trạng khuyết tật vách ngăn nhĩ, hình thành dòng máu bất thường từ tâm nhĩ trái sang tâm nhĩ phải, chiếm 30-40% bệnh tim bẩm sinh người trưởng thành. Trong đó, thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai là tổn thương hay gặp nhất, chiếm khoảng từ 60-70% các trường hợp, khuyến cáo nên được can thiệp bít lỗ thông bằng dụng cụ qua da khi có bằng chứng giãn buồng thất phải nếu tình trạng giải phẫu phù hợp. Số lượng bệnh nhân người lớn mắc thông liên nhĩ tại nước ta tương đối lớn, trong đó nhiều trường hợp được can thiệp bít thông liên nhĩ với tỷ lệ thành công 96.5% và tỷ lệ biến chứng 3.5% theo thống kê của tác giả Trương Quang Bình tiến hành năm 2015. Thực tế lâm sàng ghi nhận nhiều bệnh nhân sau bít thông liên nhĩ có tình trạng rối loạn chức năng thất phải. Rối loạn chức năng thất phải được coi là yếu tố tiên lượng suy tim, tiên lượng độc lập sống còn, dự báo tử vong. Siêu âm tim là công cụ cơ bản giúp đánh giá chức năng thất phải với các chỉ số như TAPSE, FAC thất phải. Do tính chất giải phẫu và sinh lý hoạt động các sợi cơ thất phải có nhiều phức tạp, nên việc áp dụng phương pháp siêu âm tim này trong đánh giá chức năng thất phải có nhiều sai số. Siêu âm tim đánh dấu mô là một trong các phương pháp siêu âm được phát triển gần đây, giúp phát hiện các rối loạn chức năng thất phải với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Cơ sở vật lý của phương pháp siêu âm tim đánh dấu mô: mỗi vùng cơ tim sau khi tương tác với sóng siêu âm, sẽ phản xạ lại sóng siêu âm, tạo ra một đốm ngẫu nhiên không đồng đều trên màn hình siêu âm; trong đó sự phân bố của các đốm xám (hay gọi là phần tử xám) trong không gian gọi là mô hình đốm (speckle pattern). Các vùng cơ tim khác nhau có đặc điểm cản âm khác nhau. Mỗi mô hình đốm đóng vai trò như là dấu vân tay về đặc điểm sóng âm cho một vùng cơ tim tương ứng, gọi là đánh dấu mô. Bằng cách theo dõi sự chuyển động của các đốm, chúng ta có được sự chuyển động của vùng cơ tim tương ứng.

Nghiên cứu can thiệp gồm 18 bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2016, tại Viện Tim mạch Việt Nam, thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn lựa chọn: ≥ 18 tuổi, được chẩn đoán xác định thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai đơn thuần trên siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm tim qua thực quản, có chỉ định can thiệp bít thông liên nhĩ (bằng chứng Qp/Qs > 1.5, giãn buồng tim phải trên siêu âm tim), được can thiệp bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da. Tiêu chuẩn loại trừ Thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai kèm tổn thương tim bẩm sinh khác, lỗ thông liên nhĩ không thích hợp cho việc can thiệp bằng dụng cụ. Tất cả các bệnh nhân nghiên cứu được siêu âm tim trước khi can thiệp bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da và siêu âm tim sau can thiệp 3 tháng. Phương pháp can thiệp: bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da, dưới hướng dẫn của màn tăng sáng và siêu âm tim qua thành ngực. Dù bít thông liên nhĩ là Cocoon atrial septal occluder. Các thông số nghiên cứu bao gồm: giới (nam, nữ), tuổi (năm), kích thước lỗ thông liên nhĩ (được xác định là kích thước lớn nhất đo trên siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm tim qua thực quản, đơn vị mm), kích thước dụng cụ (mm). Tất cả các bệnh nhân được làm siêu âm đánh dấu mô cơ tim đánh giá chức năng thất phải với 3 chỉ số: sức căng bề mặt toàn bộ thất phải mặt cắt 4 buồng (Right ventricular global longitudinal strain 4 chamber - RVGLS4C), sức căng bề mặt thành tự do thất phải mặt cắt 4 buồng (Right ventricular free wall longitudinal strain 4 chamber - RVFWLS4C), sức căng bề mặt toàn bộ thất phải mặt cắt 2 buồng (Right ventricular global longitudinal strain 2 chamber - RVGLS2C). Sức căng cơ tim (strain) là phân số thay đổi chiều dài của đoạn cơ tim, được mô tả bằng tỉ lệ phần trăm, giá trị có thể dương hoặc âm, do bản chất thể hiện sự giãn dài ra hoặc co ngắn lại của sợi cơ tim. Sức căng cơ tim theo chiều dọc tính theo công thức Lagrangian: ε = (L-Lo)/L, với ε kí hiệu của sức căng cơ tim (đơn vị %), Lo kí hiệu độ dài cơ tim ban đầu, L kí hiệu độ dài cơ tim thời điểm đo đạc. Sức căng cơ tim vùng phản ánh sự vận động một vùng cơ tim: sức căng cơ tim toàn bộ (global) là sức căng trung bình của tất cả các vùng cơ tim. Hội Siêu âm Hoa Kì và Hội Siêu âm châu Âu năm 2015 đưa đồng thuận sử dụng điểm cut-off chỉ số RVFWLS4C > -20% gợi ý rối loạn chức năng tâm thu thất phải. Các số liệu được thu thập theo mẫu bệnh án nghiên cứu và xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0 for Windows. Số liệu được trình bày dưới dạng means ± SDs. Sự khác biệt của các chỉ số định lượng ở thời điềm trước can thiệp và sau can thiệp 3 tháng được phân tích bằng t-test ghép cặp. Giá trị p < 0.05 là có ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thông số sức căng bề mặt của thất phải trên siêu âm tim đánh dấu mô trước can thiệp bít thông liên nhĩ ở ngưỡng trên của người bình thường, với các chỉ số RVGLS4C, RVFWLS4C, RVGLS2C lần lượt là -28.16 ± 2.22%, -29.97 ± 4.41%, -30.0 ± 3.6%. Sức căng bề mặt của thành thất phải sau khi bít thông liên nhĩ 3 tháng tăng có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp: -28.16 ± 2.22% → -23.67 ± 4.54% (RVGLS4C), -29.97 ± 4.41% →-24.97 ± 5.19% (RVFWLS4C), 30.0 ± 3.6%→ -24.68 ± 3.77% (RVGLS2C). Bệnh nhân thông liên nhĩ có hiện tượng tăng vận động các thành thất phải với giá trị sức căng bề mặt theo trục dọc trên siêu âm đánh dấu mô cơ tim trước bít ở giới hạn trên của người bình thường. Sau khi bít thông liên nhĩ 3 tháng, chỉ số sức căng bề mặt thất phải theo trục dọc có xu hướng trở về bình thường.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 77, 2016 (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài