SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá kết quả của phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi tại Viện Tim

[02/08/2019 10:57]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Hồ Huỳnh Quang Trí, Ngô Quốc Hùng, Nguyễn Tiến Hào - Viện Tim TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

 

Ảnh minh họa.

Ở những trẻ bệnh tim bẩm sinh phức tạp có một tâm thất chức năng, phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi (còn gọi là phẫu thuật Glenn) được chỉ định nhằm giảm tình trạng tăng gánh thể tích của tim, cải thiện chức năng bơm của tim và là một bước trung gian cho việc thực hiện phẫu thuật triệt để hơn là phẫu thuật Fontan. Phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi đã được thực hiện tại Viện Tim TP. HCM tư hơn 10 năm. So với bệnh nhân ở các nước phát triển, bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật này tại Viện Tim lớn tuổi hơn do vậy thường có áp lực động mạch phổi cao hơn. Ngoài ra, khá nhiều bệnh nhân có hở van nhĩ thất nặng. Theo y văn, áp lực động mạch phổi cao cũng như hở van nhĩ thất nặng đều là những yếu tố tiên lượng xấu. Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả của phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi tại Viện Tim trong 3 năm gần đây, đánh giá ảnh hưởng của hở van nhĩ thất nặng trên kết quả phẫu thuật.

Nghiên cứu được thiết kế kiểu đoàn hệ hồi cứu kết hợp tiến cứu. Đối tượng là những bệnh nhân được phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh từ 1/1/2014 đến 31/8/2016. Các số liệu về nhân trắc, chẩn đoán, siêu âm tim và phẫu thuật trước đó được thu thập từ hồ sơ bệnh án. Độ bão hòa oxy đo qua da (SpO2 ) được ghi nhận trước và sau mổ khi bệnh nhân thở khí trời. Dung tích hồng cầu và hemoglobin được ghi nhận trước mổ và ít nhất 1 tháng sau mổ để loại trừ ảnh hưởng của mất máu trong cuộc mổ. Hở van nhĩ thất được xếp loại nặng nếu siêu âm tim đánh giá là ≥ 3/4. Ghi nhận mức độ hở van nhĩ thất ở các thời điểm trước mổ, ngay sau mổ và ở lần tái khám gần nhất. Các biến cố kết cục gồm tử vong trong 30 ngày đầu, biến chứng hậu phẫu sớm (tràn dưỡng trấp màng phổi/màng tim, liệt cơ hoành, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi) và còn sống mà không cần phải dùng thuốc điều trị suy tim (ức chế men chuyển phối hợp furosemide). Thời gian thở máy, thời gian nằm hồi sức và nằm viện sau mổ cũng được ghi nhận. Biến liên tục được biểu diễn ở dạng trung bình ± độ lệch chuẩn (nếu có phân phối bình thường) hoặc trung vị kèm trị số tối thiểu (min) và tối đa (max) (nếu không có phân phối bình thường). So sánh biến liên tục giữa 2 nhóm bằng phép kiểm Mann-Whitney U. So sánh tỉ lệ ở 2 nhóm bằng phép kiểm chính xác Fisher. Ngưỡng có ý nghĩa thống kê là p < 0,05.

Nghiên cứu trên 79 bệnh nhân được phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh từ 1/1/2014 đến 31/8/2016 cho thấy tăng áp động mạch phổi nặng là một nguyên nhân chính của tử vong sau 30 ngày. Ở các bệnh nhân sống sót, SpO2 và tình trạng cô đặc máu được cải thiện rõ rệt. Hở van nhĩ thất nặng hiếm khi tự giảm sau mổ nếu không được sửa van kèm theo khi mổ. Sửa van nhĩ thất ở các bệnh nhân này hiện vẫn là một thách thức đối với các phẫu thuật viên tim. So với bệnh nhân không có hở van nhĩ thất nặng sau mổ, bệnh nhân hở van nhĩ thất nặng có thời gian thở máy và thời gian nằm hồi sức dài hơn và tỉ lệ còn sống mà không phải dùng thuốc điều trị suy tim thấp hơn.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 77, 2016 (ctngoc))
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài