SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sự thay đổi các thông số điện sinh lý học tim dưới tác dụng của Atropin

[02/08/2019 11:09]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Duy Linh, Phan Đình Phong và Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện.

Ảnh minh họa.

Atropin từ lâu được biết đến là thuốc tác dụng làm tăng nhịp tim sử dụng phổ biến trên lâm sàng. Cơ chế tác dụng đã được chứng minh thông qua ức chế hệ thần kinh phó giao cảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của Atropin lên các khoảng dẫn truyền tim là khác nhau, liên quan đến sự phân bố và cơ chế tác động theo nồng độ trên các thụ thể Acetylcholin. Những năm trước đây, đã có một số nghiên cứu đánh giá tác động của Atropin đối với hệ dẫn truyền tim trên His và cơ thất như của các tác giả Masood Akhatap, Athony Damato, Gravenstein... Hiện nay, tại các Trung tâm Tim mạch ở nước ta, Atropin là thuốc được ứng dụng khá rộng rãi trong các thủ thuật thăm dò điện sinh lý tim trong kích thích gây khởi phát các rối loạn nhịp cũng như trong đánh giá kết quả tức thì của triệt đốt rối loạn nhịp bằng năng lượng sóng có tần số radio. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào đầy đủ về tác động của Atropin lên các thông số điện sinh lý học tim tại Việt Nam. Do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: “Đánh giá sự thay đổi các thông số điện sinh lý học tim dưới tác dụng của Atropin”.

Nghiên cứu 51 bệnh nhân đã được thăm dò điện sinh lý tim và triệt đốt các rối loạn nhịp tim tại Viện Tim mạch Việt Nam từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016. Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân được làm thủ thuật triệt đốt ngoại tâm thu thất và cơn tim nhanh trên thất do đường dẫn truyền phụ nhằm đảm bảo thủ thuật triệt đốt không tác động tới hệ thống dẫn truyền bình thường của tim. Tiêu chuẩn loại trừ các trường hợp có bằng chứng rối loạn chức năng nút xoang khi thăm dò điện sinh lý tim cơ bản (trước tiêm Atropine). Các trường hợp thủ thuật đốt điện có tác động vào hệ thống dẫn truyền tim: triệt đốt đường chậm qua nút nhĩ thất điều trị cơn tim nhanh vào lại nút nhĩ thất, triệt đốt cuồng nhĩ điển hình... – Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Atropine. - Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu. Chuẩn bị bệnh nhân trước thủ thuật: bệnh nhân được giải thích và ký cam kết làm thủ thuật. Các thuốc chống rối loạn nhịp hoặc có ảnh hưởng tới các thông số điện sinh lý tim được ngừng > 5 lần thời gian bán hủy trước thủ thuật. - Gây tê tại chỗ và đưa các điện cực thăm dò vào các buồng tim: điện cực xoang vành, điện cực vùng cao nhĩ phải, điện cực mỏm thất phải, điện cực His. - Thăm dò điện sinh lý tim trước khi tiêm Atropine nhằm đánh giá các thông số: + Thời gian chu kỳ tim (ms). + Các khoảng dẫn truyền tim trên điện đồ His (ms): thời gian dẫn truyền trong nhĩ (PA), thời gian dẫn truyền qua nút nhĩ thất (AH), độ rộng điện thế His (HH), thời gian dẫn truyền His-thất (HV), thời gian QRS, khoảng QT. + Thời gian phục hồi nút xoang với các tần số kích thích nhĩ khác nhau (ms). + Thời gian trơ cơ nhĩ (ms). + Dẫn truyền qua nút nhĩ thất chiều xuôi (điểm phân ly nhĩ thất). + Dẫn truyền qua nút nhĩ thất theo chiều ngược (điểm phân ly thất nhĩ). + Thời gian trơ cơ thất (ms). - Thăm dò điện sinh lý tim sau khi tiêm tĩnh mạch 0,5 mg Atropin Sulfat: đánh giá sự thay đổi của các thông số điện sinh lý tim trước và sau tiêm.

Atropin là thuốc làm tăng tần số tim thông qua cơ thế hủy phó giao cảm. Tuy nhiên mức độ đáp ứng của từng cấu trúc trong hệ thống dẫn truyền tim với Atropin là khác nhau vì vậy bằng thăm dò điện sinh lý tim dưới tác dụng của Atropin, nghiên cứu chỉ ra được Atropin làm rút ngắn thời gian chu kỳ tim (Cycle length) làm tăng tần số tim, rút ngắn thời gian dẫn truyền nhĩ – His, làm độ rộng điện thế His ngắn lại, khoảng QT ngắn lại, nhưng không làm thay đổi dẫn truyền His - thất, khoảng QRS. Atropin rút ngắn thời gian trơ cơ nhĩ nhưng không ảnh hưởng đến thời gian trơ cơ thất. Kết quả nghiên cứu này giải thích thêm về cơ chế tác động cũng như các chỉ định của Atropin trong thực hành lâm sàng.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 77, 2016 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài