SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhận xét đặc điểm thiếu máu chi trong kĩ thuật tim phổi nhân tạo hỗ trợ tim đường vào động mạch đùi sử dụng Catheter tái tưới máu

[05/08/2019 14:49]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Tiến Thành, Mai Văn Cường, Bùi Văn Cường Nguyễn Tiến Dũng, Đặng Quốc Tuấn - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

 

Ảnh minh họa.

Kĩ thuật tim phổi nhân tạo hỗ trợ tim (ECMO VA) là biện pháp hỗ trợ tạm thời các trường hợp suy tim và hoặc suy hô hấp nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị thường quy. Trong kĩ thuật người ta đặt các cannula với kích thước lớn vào mạch máu. Biến chứng mạch máu, đặc biệt biến chứng thiếu máu chi trong kĩ thuật ECMO VA đường vào động mạch đùi có tỉ lệ 12-22%. Người ta khắc phục bằng cách đưa máu từ nhánh bên cannula động mạch cung cấp cho vùng chi bị thiếu máu thông qua catheter tái tưới máu.  Áp dụng catheter tái tưới máu chưa có sự nhất quán giữa các cơ sở thực hiện kĩ thuật ECMO VA. Tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, nhóm nghiên cứu thực hiện kĩ thuật ECMO VA từ 2009. Catheter tái tưới máu được đặt cho tất cả các bệnh nhân nhằm dự phòng và khắc phục tình trạng thiếu máu chi. Nghiên cứu nhằm mục tiêu nhận xét đặc điểm tưới máu chi và những khó khăn biến chứng liên quan catheter tái tưới máu trong kĩ thuật ECMO VA đường vào động mạch đùi.

Nghiên cứu được tiến hành tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai từ 1/2015 đến 10/2016. Nghiên cứu các bệnh nhân được hỗ trợ kĩ thuật ECMO VA đường vào động mạch đùi có sử dụng catheter tái tưới máu. Nghiên cứu mô tả, cỡ mẫu thuận tiện. Đặt cannula và catheter tái tưới máu chi: đặt cannula động mạch 16.5F, cannula tĩnh mạch 21F và catheter 2 nòng 12F làm đường tái tưới máu do bác sĩ phẫu thuật tim mạch và bác sĩ chuyên khoa hồi sức tiến hành. Lựa chọn phương pháp đặt cannula và catheter qua da hay phương pháp phẫu thuật căn cứ hoàn cảnh lâm sàng. Tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu chi trên lâm sàng. Có ít nhất một trong các dấu hiệu: mất mạch, da tái nhợt, da lạnh, đau, dị cảm, liệt vận động, bắp chân căng. Loại trừ tổn thương do giảm tưới máu hệ thống. Tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu chi trên siêu âm Doppler mạch. Thiếu máu chi cấp tính (tại chân đặt Cannula động mạch) không phát hiện được tín hiệu dòng chảy trên siêu âm Doppler. Giảm tưới máu chi (tại chân đặt Cannula động mạch - so sánh bên đối diện) giảm tín hiệu và/hoặc giảm tốc độ dòng chảy trung bình giảm và/hoặc lưu lượng dòng chảy dưới 150 ml/phút tại động mạch đùi nông dưới 72 ml/phút tại động mạch khoeo. Tưới máu chi đảm bảo: không có các dấu hiệu về giảm tín hiệu, giảm tốc độ và lưu lượng máu kể trên.

Kết quả nghiên cứu do thấy, trong 31 bệnh nhân của nghiên cứu, có 22.6% (7 bệnh nhân) xuất hiện thiếu máu chi. Trong đó, 7 bệnh nhân đều biểu hiện triệu chứng da lạnh, tím và mất mạch. Có 13.6% bệnh nhân giảm tưới máu chi trên siêu âm có biểu hiện thiếu máu chi trên lâm sàng. Không có trường hợp nào phải cắt cụt chi. Tỉ lệ thiếu máu chi không liên quan chẩn đoán, mức độ nặng, phương pháp tiến hành, kết quả điều trị. Khó khăn và biến chứng liên quan catheter: sai vị trí, tắc catheter, chảy máu có liên quan với tình trạng thiếu máu chi.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 77, 2016 (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài