Cải thiện chất lượng của tổ hợp lai OM5451/pokkali bằng phương pháp lai hồi giao
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trần Thị Bích Xuân - Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang; Vũ Anh Pháp - Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ và Trần Thị Cúc Hòa - Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện.
Hình dạng hạt của giống bố Pokkali và mẹ OM5451
Hiện tượng xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa của bà con nông dân. Trước tình hình này, việc lai tạo và tuyển chọn giống lúa có khả năng chịu mặn và có phẩm chất tốt là hết sức cần thiết. Đồng thời, nhu cầu của người tiêu dùng tăng, đòi hỏi có giống lúa không chỉ chống chịu mặn tốt mà còn có phẩm chất gạo ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Xuất phát từ vấn đề đó, nghiên cứu được thực hiện bằng việc lai tạo từ giống lúa có khả năng chịu mặn cao là Pokkali (làm giống cho gen) cùng với giống OM5451 có chất lượng cao (làm giống nhận gen). Pokkali tuy chịu mặn tốt nhưng là giống lúa chịu ảnh hưởng của quang kỳ, thời gian sinh trưởng dài, cao cây (> 1,5 m) và có phẩm chất gạo kém. Trong khi đó, OM5451 là giống lúa chất lượng cao, nhưng khả năng chịu mặn thấp. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm du nhập gen mặn của Pokkali vào giống lúa chất lượng cao OM5451 bằng phương pháp lai hồi giao và chọn dòng thông qua việc phân tích và đánh giá các dòng con lai các thế hệ để tuyển chọn dòng ưu tú phát triển thành giống chịu mặn tốt và có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sơ đồ lai hồi giao tổ hợp lai OM5451/Pokkali//OM5451
Các dòng lai thế hệ BC2F2, BC3F2 và BC3F6 của tổ hợp lai hồi giao OM5451/Pokkali được sử dụng để khảo sát sự phân ly phẩm chất hạt được đánh giá bằng phương pháp của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (2002). Kết quả cho thấy hàm lượng amylose và tỷ lệ bạc bụng của các dòng lúa có sự phân ly theo hướng giảm dần so với giống bố là Pokkali qua các thế hệ lai hồi giao. Tính trạng dạng hạt và màu sắc hạt có sự phân ly phức tạp ở thế hệ BC2F2 và BC3F2, nhưng ổn định sau quá trình chọn dòng đến thế hệ BC3F6. Kết quả tuyển chọn đến thể hệ BC3F6 đã chọn 6 dòng lúa số 1, 2, 5, 6, 7 và 8 có hàm lượng amylose thấp ≤ 20% (thuộc nhóm gạo dẻo), độ bền gel nhóm 1 (mềm cơm), tỷ lệ bạc bụng thấp (1 – 3%), dạng hạt gạo thon, dài đến rất dài để phát triển thành giống lúa chịu mặn và chất lượng cao.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)