SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của việc bón bã cà phê tươi lên sinh trưởng, năng suất một số cây trồng và đặc tính sinh học đất giồng cát (arenosols) từ huyện Tiểu Cần - tỉnh Trà Vinh trong điều kiện nhà lưới

[13/08/2019 16:36]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Khởi Nghĩa và Võ Thị Ngọc Cẩm - Khoa Nông Nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Sự phát triển về kinh tế kéo theo nhu cầu về nông sản sạch và an toàn ngày càng tăng. Do đó, xu hướng sản xuất hữu cơ đang ngày càng phát triển, đặc biệt đối với cây lương thực như cây bắp và cây lúa. Bên cạnh đó, cây đậu nành cũng không kém phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cà phê là một loại thức uống phổ biến ở nhiều quốc gia, có tác dụng kích thích hệ thần kinh, giúp giảm stress và ngăn chặn quá trình lão hóa. Ở Việt Nam, lượng chất thải của bã cà phê (BCP) ngày càng gia tăng. Lượng tiêu thụ cà phê tăng trưởng từ 0,43 lên 1,38 kg/đầu người/năm trong giai đoạn 2005-2015 và được dự báo sẽ tăng lên mức 2,6 kg/đầu/năm người vào năm 2021 (Đức Quỳnh, 2017). Do đó, những công nghệ mới có tính khả thi nhằm tái sử dụng BCP thành một vật liệu mới, mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội là rất cần thiết (Tokimoto et al., 2005). Một trong những công nghệ mới nhằm tái sử dụng BCP là biến chúng thành phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và cải tạo đất vì thành phần dinh dưỡng trong chúng rất cao. Teresa et al. (2013a, 2013b) khẳng định hiệu quả của BCP trong việc tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với điều kiện môi trường bất lợi giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản và cải tạo đất. Tương tự, kết quả nghiên cứu của Nguyễn Khởi Nghĩa và ctv. (2015a, 2015b) về tái sử dụng BCP làm nguồn phân bón hữu cơ trên cây đậu bắp và hành tím  cũng cho thấy BCP giúp tăng năng suất, cải thiện đặc tính hóa và sinh học đất. Ngoài ra, theo Vũ Hải Yến (2015), nguồn nguyên liệu BCP để sản xuất phân hữu cơ từ chất thải rắn ít chịu ảnh hưởng về mặt giá cả trên thị trường, cho sản phẩm đầu ra an toàn, có tính ứng dụng cao, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của BCP tươi lên sinh trưởng, năng suất bắp - đậu nành - lúa và đặc sinh học đất trong điều kiện nhà lưới khi được trồng trên một nền đất.

Bắp, đậu nành, lúa lần lượt được trồng trên nền đất cát (Arenosols) từ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh với 4 lặp lại và 7 nghiệm thức gồm đối chứng (không bón phân), bón BCP 2%, 4%, 6%, 8%, 10% (theo trọng lượng đất khô) và bón phân hóa học theo khuyến cáo. Các chỉ tiêu về chiều cao cây, mật số vi sinh vật đất được thu thập vào 30, 45 và 60 ngày sau khi gieo (NSG) đối với bắp và đậu nành, 30, 60 và 90 NSG đối với cây lúa. Năng suất cây trồng và đa dạng cộng đồng vi khuẩn trong đất khi kết thúc thí nghiệm cũng được ghi nhận. Kết quả cho thấy bón BCP với tỉ ệ 2% -10% có hiệu quả trong việc kích thích sinh trưởng và tăng năng suất đối với cây đậu nành và cây lúa so với nghiệm thức bón phân hóa học theo khuyến cáo. Bên cạnh đó, BCP giúp cải thiện các thành phần dinh dưỡng, tăng mật số vi khuẩn, nấm, vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân trong đất. Vì vậy, việc bón BCP 2% - 10% (w/w) giúp kích thích sinh trưởng, gia tăng năng suất đậu nành và lúa, cải thiện đặc tính sinh học đất, có thể sử dụng như một loại phân hữu cơ sạch cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ