SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của biện pháp tưới khô ngập luân phiên đến khả năng cung cấp đạm trong đất và năng suất lúa tại huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu

[15/08/2019 14:40]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Minh Đông, Châu Minh Khôi, Nguyễn Văn Quí, Nguyễn Đỗ Châu Giang - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Độ sâu ngập của các nghiệm thức theo thời gian ở vụ Đông Xuân 2014.

Để ứng phó với tình trạng khan hiếm nước trong tương lai cần có những biện pháp quản lý nước nhằm giúp người nông dân có thể tiết kiệm nước tưới. Trong đó, kỹ thuật tưới khô ngập luân phiên (alternate wetting and drying - AWD) được Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) phát triển và áp dụng năm 2000. Phương pháp này được xem là giúp cây trồng thích ứng với những điều kiện bất lợi của môi trường, giúp tiết kiệm nước tưới và tăng sự phát triển của bộ rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hấp thu chất dinh dưỡng cao hơn và tăng hiệu quả sử dụng đất, nước (Bouman and Tuong, 2001). Áp dụng kỹ thuật tưới khô ngập luân phiên tiết kiệm được 9% và 19% lượng nước tưới tương ứng với mực nước ở mặt ruộng giảm -15 cm và -30 cm so với tưới ngập liên tục theo nông dân (Vũ Văn Long và ctv., 2016) và không ảnh hưởng đến việc suy giảm năng suất (Nhẫn et al., 2016). Ngoài việc tiết kiệm lượng nước tưới, các nghiên cứu về ảnh hưởng của kỹ thuật tưới khô ngập luân phiên đến khả năng cung cấp đạm (N) và N khoáng hóa còn hạn chế, bởi vì N được xem là yếu tố giới hạn năng suất trong canh tác lúa nước (Datta, 1981). Trong đó, lượng N khoáng hóa có tương quan với lượng N hấp thu cũng như năng suất cây trồng và không thể thay thế được bởi phân bón (Cassman et al., 1994). Dự đoán lượng N khoáng hóa là yêu cầu quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng N trong nhiều hệ thống mùa vụ (Wang et al., 1983). Giả thuyết đặt ra là khi áp dụng kỹ thuật tưới khô ngập luân phiên có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp N và khoáng hóa N từ đất cũng như năng suất lúa. Do đó việc đánh giá ảnh hưởng của kỹ thuật tưới tiết kiệm đến năng suất lúa và N khoáng hóa là rất cần thiết trong nghiên cứu hiện nay.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của chế độ tưới khô ngập luân phiên (AWD) so với ngập liên tục (CF) đến đạm (N) hữu dụng, năng suất hạt trên ruộng lúa và lượng N khoáng hóa trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu được thực hiện trên vùng đất canh tác lúa vào vụ Đông Xuân 2014 tại Hòa Bình, Bạc Liêu và ủ khoáng hóa N yếm khí và hiếu khí trong phòng sau hai quá trình khô – ngập ngoài đồng. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức gồm CF, AWD1 (tưới khi mực nước giảm -15cm) và AWD2 (giảm -30cm) và 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Kết quả cho thấy AWD tiết kiệm khoảng 13 – 18% lượng nước so với CF. Áp dụng AWD2 và AWD1 đạt hàm lượng NH4+ và NO - cao tương ứng so với CF ở giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Kết quả ủ khoáng hóa cho thấy lượng N ủ hiếu khí cao hơn yếm khí. Trong đó, AWD1 có sự gia tăng ý nghĩa về NH + khoáng hóa sau 21, 28 ngày ủ yếm khí; còn ủ hiếu khí thì sau 7 ngày. Tương tự, áp dụng AWD1 cũng đạt hàm lượng NO - khoáng hóa cao vào 21 ngày ủ yếm khí và 28 ngày ủ hiếu khí.

 

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài