Hiện trạng hệ vi sinh vật phân giải lân trên một số loại đất phù sa trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Tú Điệp và Đinh Hồng Duyên - Bộ môn Vi sinh vật, Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Cao Kỳ Sơn - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện.
Mật độ VSV trung bình trong đất
Lân trong đất là nguyên tố dinh dưỡng đa lượng đối với cây trồng. Cây thiếu lân sẽ sinh trưởng chậm, cho năng suất thấp, phẩm chất nông sản kém. Trong đất, lân tồn tại trong các hợp chất hữu cơ và vô cơ. Các hợp chất hữu cơ chứa lân như: phytyl, nucleic acid, nucleoprotein, phosphatid, saccharose phosphate v.v. Hợp chất vô cơ chứa lân chủ yếu là những muối của axit ortho-phosphoric acid với Ca, Mg, Fe và Al. Tất cả các dạng lân hữu cơ và vô cơ này đều ở dạng khó tiêu đối với cây trồng. Phosphor đi vào cây dưới dạng lân dễ tiêu là các ion PO43-, HPO42-, H2PO4-.
Trong đất tự nhiên sẵn có các chủng giống vi sinh vật có khả năng tiết enzyme phân giải, chuyển hóa các dạng lân khó tiêu thành dễ tiêu. Theo Gerretsen (1948), một số vi sinh vật trong đất tự nhiên có khả năng chuyển hóa Ca3(PO4)2 không tan thành dạng lân cây trồng có thể sử dụng; nấm Aspergillus, Penicillium, Rhizopus, Sclerotium cũng có tác dụng hòa tan hợp chất lân khó tan (Myskow, 1961; Katznelson, 1962). Hệ vi sinh vật phân giải lân không giống nhau trên các loại đất khác nhau, phụ thuộc chặt chẽ vào độ phì của đất, chế độ canh tác. Sự tồn tại và phát triển của chúng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng huy động lân dễ tiêu trong đất từ các dạng lân khó tiêu.
Lúa là cây trồng chủ lực của Việt Nam, năng suất trung bình vụ Đông Xuân năm 2013 đạt 6,4 tấn/ha (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013). Lúa chủ yếu được canh tác trên nhóm đất phù sa thuộc hai hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long. Nhóm đất phù sa có hàm lượng lân tổng số khá cao khoảng 0,13% (Phạm Thị Phương Thúy và ctv., 2013) nhưng hiện tượng cố định lân trong đất diễn ra mạnh, đặc biệt trên đất có hàm lượng lân dễ tiêu thấp đến trung bình và tùy thuộc vào sa cấu đất (Phạm Thị Phương Thúy và ctv., 2012), làm giảm hiệu quả của việc sử dụng phân bón. Việc đánh giá thực trạng hệ vi sinh vật phân giải lân trên nhóm đất phù sa trồng lúa là một trong những cơ sở quan trọng để lý giải hiện tượng trên cũng như đưa ra các biện pháp phù hợp để cải thiện dinh dưỡng lân trong đất.
Nghiên cứu nhằm đánh giá hệ vi sinh vật phân giải lân trên đất phù sa trung tính (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và đất phù sa gley (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) thuộc hệ thống sông Hồng chuyên trồng lúa (2 vụ/năm) tại thời điểm lúa đang làm đòng. Kết quả phân lập cho thấy, có sự xuất hiện của nhóm vi khuẩn, xạ khuẩn phân giải lân trong các mẫu đất nghiên cứu nhưng hoàn toàn không có mặt của nấm mốc. Nhìn chung, đất phù sa trung tính có mật độ vi sinh vật phân giải lân cao hơn nhưng kém phong phú hơn về số lượng chủng so với đất phù sa gley. Mức độ đa dạng của các chủng vi sinh vật không giống nhau giữa 2 loại đất, thậm chí giữa các mẫu khác nhau trong cùng một loại đất. Có 4 chủng vi khuẩn phân giải lân phổ biến trong đất phù sa trung tính, mật độ dao động từ 15,5-22,9 x104 CFU/g đất; trong khi đó, trên đất phù sa gley phổ biến 4 chủng vi khuẩn và 1 chủng xạ khuẩn, mật độ biến động từ 2,3-17,3 x104 CFU/g đất. Trên cả 2 loại đất, mật độ vi sinh vật phân giải lân vô cơ chiếm ưu thế hơn so với hữu cơ. Tuy nhiên, so với vi sinh vật tổng số, mật độ các nhóm vi sinh vật phân giải lân đều rất thấp, chiếm chưa tới 1% mỗi nhóm. Bên cạnh đó, hoạt tính phân giải lân của chúng không cao, hàm lượng PO3- giải phóng dao động từ 0,70-5,66 mg/l đối với lân dạng Tricalcium phosphate và từ 0,0-1,83 mg/l đối với lân dạng Lecithine.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)