Thực nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trong bể với các mật độ khác nhau theo công nghệ biofloc
Nghiên cứu do các tác giả: Lê Quốc Việt và Trần Ngọc Hải - Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Hiện nay, tôm thẻ chân trắng (Liptopenaeus vannamei) là một trong những đối tượng được nuôi phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2016), diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước năm 2015 là 84.000 ha (chiếm 12,84% diện tích nuôi tôm biển) và sản lượng đạt 334.000 tấn (chiếm 56,24% tổng sản lượng tôm nuôi). Nghề nuôi tôm biển với mức độ thâm canh ngày càng cao, do đó dễ làm môi trường nước ô nhiễm do sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng tôm sau thu hoạch. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng các tác nhân sinh học là xu hướng tích cực góp phần ổn định môi trường và hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi, thông qua mô hình nuôi kết hợp với biofloc (Hargreaves, 2013; Tạ Văn Phương và ctv., 2014). Theo Avnimelech (2012), các hệ thống xử lý chất thải, các chất lơ lửng trong nước chứa vi khuẩn dị dưỡng chiếm ưu thế, có tiềm năng sử dụng rất cao trong việc hạn chế thay nước, đồng thời là nguồn thức ăn cho tôm, cá thương phẩm. Avnimelech (2012) cũng chỉ ra rằng vi khuẩn dị dưỡng bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ lệ C:N, khi tỷ lệ C:N tăng, vi khuẩn cũng phát triển theo. Do đó, bổ sung carbohydrate vào môi trường sẽ duy trì và thúc đẩy quá trình hình thành hạt biofloc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng. Theo Tạ Văn Phương và ctv. (2014), khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể theo công nghệ biofloc có bổ sung nguồn carbohydrate từ bột gạo với tỷ lệ C:N=15:1, tôm tăng trưởng nhanh và năng suất cao hơn so với mô hình không ứng dụng công nghệ biofloc và quy trình biofloc ở độ mặn 15‰ với mật độ từ 150 – 300 con/m3 cho kết quả tốt nhất với tỷ lệ sống 79,1 – 100%. Nhưng với điều kiện ở Việt Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình công nghệ biofloc còn rất mới mẻ và nuôi với mật độ cao chưa được nghiên cứu nhiều. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mật độ nuôi thích hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc.
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức mật độ khác nhau (150, 300, 450 và 600 con/m3) và mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần. Bể nuôi có thể tích 0,5 m3 (chứa 0,3 m3 nước), độ mặn 15 ‰ và tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N =15:1). Tôm nuôi có khối lượng ban đầu là 0,74±0,09 g (4,33±0,32 cm). Sau 60 ngày nuôi, các yếu tố môi trường nước: nhiệt độ, pH, tổng đạm amon (TAN) và nitrite nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng. Tôm nuôi ở mật độ 150 con/m3 có chiều dài là 10,85 cm, khối lượng trung bình 12,12 g/con và tỷ lệ sống đạt 77,8%, cao hơn và khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với ba mật độ còn lại. Bên cạnh đó, hệ số thức ăn của tôm nuôi ở mật độ 150 con/m3 thấp nhất (1,17) và khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại. Tuy nhiên, sinh khối thu được ở các mật độ nuôi khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)