Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ
Nghiên cứu của tác giả: Đào Ngọc Cảnh - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động NCKH của giảng viên
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) có vai trò rất quan trọng trong trường đại học, vừa là chức năng cơ bản, vừa góp phần tạo nên thương hiệu của trường đại học (Bùi Trung Hưng và ctv., 2016). Đối với giảng viên, NCKH tạo tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động NCKH. Có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, NCKH là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên (Trần Mai Ước, 2013).
Hoạt động NCKH được xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giảng viên các trường đại học, nhất là trường đại học định hướng nghiên cứu. Theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ: “Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu là cơ sở giáo dục đại học có hoạt động đào tạo, NCKH chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học; phát triến các công nghệ nguồn; cung cấp nguồn nhân lực có năng lực giảng dạy và nghiên cứu cơ bản; có năng lực nghiên cứu giải quyết các nhiệm vụ, đề tài khoa học cấp quốc gia và quốc tế” (Chính phủ, 2015).
Trong những năm gần đây, đội ngũ nhà khoa học trong các trường đại học tăng cả về chất lượng và số lượng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu được quan tâm đầu tư, hoạt động NCKH của các trường đại học có những chuyển biến tích cực, các sản phẩm khoa học có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, các trường đại học cả nước có tổng số 72.792 giảng viên; trong đó, 16.514 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 43.065 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Năm 2016, có 274 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp đã được nghiệm thu. Các nhiệm vụ này đã thu hút gần 3.000 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên tham gia; đào tạo được 312 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 77 tiến sĩ; đã xuất bản 36 đầu sách tham khảo và chuyên khảo, công bố 594 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế; 115 sản phẩm ứng dụng là quy trình kỹ thuật, sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển ngành và địa phương (Lê Văn, 2017).
Tuy nhiên, kết quả NCKH của các trường đại học Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng; hoạt động nghiên cứu của các trường vẫn nhỏ lẻ, tản mạn; chưa có đóng góp nổi bật trong nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý là, nhiều giảng viên vẫn coi trọng nhiệm vụ giảng dạy hơn nhiệm vụ NCKH. Phan Thị Tú Nga (2011) cho rằng, một bộ phận giảng viên chưa coi trọng hoạt động NCKH, chất lượng đề tài chưa cao, việc xã hội hóa các đề tài còn thấp, khả năng ứng dụng của đề tài NCKH còn hạn chế. Theo Võ Văn Nhị (2013), NCKH là nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên, nhưng giảng viên không thực hiện hoặc không đủ năng lực để thực hiện. Chính điều này dẫn đến tính ỷ lại, chây lười, coi thường hoạt động NCKH của một số giảng viên trong trường đại học.
Tại hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017- 2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 29/7/2017 tại Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: Cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ giảng viên tham gia NCKH của các cơ sở giáo dục đại học chưa mạnh mẽ và hiệu quả; chính sách hỗ trợ các trường trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ còn bất cập; các trường, giảng viên chưa thực sự coi trọng NCKH, thiếu đầu tư trọng điểm cho các nhóm nghiên cứu gắn với các ngành đào tạo trọng tâm. Bất cập lớn nhất nằm ở chỗ hoạt động NCKH đáng lẽ ra phải là nhiệm vụ căn bản, trọng tâm thì chỉ vài trường đại học chú trọng đầu tư (Lệ Thu, 2017).
Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) là trung tâm đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm qua, Nhà trường đã không ngừng phát triển thành một trung tâm đào tạo và NCKH đa ngành đa lĩnh vực theo hướng đại học nghiên cứu. Hiện nay Trường ĐHCT đang đào tạo 93 chuyên ngành đại học, 34 chuyên ngành cao học, 13 chuyên ngành nghiên cứu sinh và 02 chuyên ngành cao đẳng với 58.135 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học tập tại trường. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường là người; trong đó có 7 giáo sư, 119 phó giáo sư, 211 tiến sĩ, 711 thạc sĩ, 113 kỹ sư/cử nhân (Trường Đại học Cần Thơ, 2016).
Bên cạnh công tác đào tạo, Trường đã chú trọng triển khai các chương trình NCKH, ứng dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng. Trong giai đoạn 2012- 2016, Trường có 1.269 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp được nghiệm thu (trong đó, có 817 đề tài cấp Trường, 440 đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước, 448 đề tài hợp tác với các địa phương), 398 bài báo khoa học được công bố quốc tế ISI. Nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ của Trường đạt trên 316 tỷ đồng, cao hơn kinh phí dành cho hoạt động này (Trường Đại học Cần Thơ, 2016).
Từ những kết quả NCKH, Trường đã tạo ra nhiều sản phẩm, quy trình công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Các hoạt động NCKH của Trường góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặc dù Trường ĐHCT đã đạt được những kết quả đáng kể về NCKH, tuy nhiên hoạt động này cũng còn những hạn chế nhất định so với yêu cầu đề ra. Bên cạnh một số giảng viên có nhiều thành tích trong NCKH, vẫn còn nhiều giảng viên chưa tham gia hoạt động này. Vì vậy, có tình trạng không đồng đều trong hoạt động NCKH của giảng viên giữa các khoa, trong từng khoa và từng bộ môn.
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thực trạng hoạt động NCKH của giảng viên tại Trường ĐHCT, từ đó đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hoạt động NCKH của giảng viên, góp phần thực hiện chức năng của trường đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức hiện nay.
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi đối với 150 giảng viên Trường Đại học Cần Thơ nhằm tìm hiểu thực trạng NCKH của giảng viên. Kết quả khảo sát hoạt động NCKH của giảng viên Trường ĐHCT đã cho thấy tình trạng không đồng đều trong NCKH của giảng viên. Bên cạnh một số giảng viên say mê, tích cực và đạt được nhiều kết quả trong NCKH, vẫn còn có những giảng viên chỉ tập trung vào giảng dạy mà chưa coi trọng hoạt động NCKH. Cụ thể, 21,3% giảng viên không có giờ NCKH; khối lượng giờ NCKH của giảng viên trung bình chỉ chiếm 10-15% tổng khối lượng giờ quy chuẩn trong năm. Trên thực tế vẫn còn một tỷ lệ đáng kể giảng viên chưa tham gia các hoạt động NCKH: 41,3% giảng viên chưa có đề tài NCKH, 48% giảng viên chưa có bài báo khoa học, 50% giảng viên chưa có báo cáo tham luận hội nghị/hội thảo khoa học, v.v… Nhiều giảng viên vẫn quan niệm: nhiệm vụ chính của mình là giảng dạy, không NCKH cũng không sao.
Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động NCKH của giảng viên, Nhà trường cần thực hiện các giải pháp như: ban hành các chính sách khuyến khích giảng viên NCKH; có chế tài đối với các giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ NCKH; đồng thời, cần tăng kinh phí cho hoạt động NCKH và xây dựng định mức cho hoạt động NCKH một cách thỏa đáng hơn; tăng cường hợp tác trong NCKH giữa các giảng viên và tổ chức NCKH trong và ngoài trường. Bên cạnh đó, Nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện cho các đơn vị còn có khó khăn, hạn chế về NCKH nhằm tạo ra sự đồng đều và hiệu quả hơn trong NCKH, đưa hoạt động NCKH song hành với hoạt động đào tạo để thực hiện tốt các chức năng của trường đại học trong xu thế phát triển nền kinh tế tri thức trên toàn cầu hiện nay.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần C (lntrang)