SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của các giống sen (Nelumbo nucifere Gaertn) trồng ở tỉnh Thừa Thiên – Huế

[22/08/2019 09:25]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế; Đặng Thah Long – Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế; Võ Thị Mai Hương, Hoàng Thị Kim Hồng –Khoa sinh, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế thực hiện.

Cây sen (Nelumbo nucifere Gaertn) có nguồn gốc từ các nước châu Á nhiệt đới. Ở Việt Nam, sen được trồng phổ biến từ bắc vào Nam trong các ao, hồ, đồng ruộng, thậm chí có thể sinh trưởng, phát triển tốt ngay cả trong điều kiện đất trũng, nước ngập sâu mà các cây trồng khác không thể tồn tại được. Bên cạnh giá trị làm cảnh, cây sen còn có nhiều giá trị kinh tế và giá trị y học. Cây sen là loài thực vật có thể trồng để lấy hoa, lấy hạt hoặc lấy củ đồng thời các bộ phận của cây sen từ hoa lá cho đến ngó, gương, hạt. . .đều được sử dụng để làm món ăn và vị thuốc có giá trị trong y học cổ truyền.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi gắn liền với nhiều địa danh lịch sử, đặc biệt là thành phố Huế với nhiều lễ hội quốc tế của Việt Nam, sen mang một ý nghĩa đặc biệt trong long người dân Huế nói riêng và khách du lịch nói chung, sen góp phần không thể thiếu trong việc tôn lên vẽ đẹp cổ kính đó. Bên cạnh đó hoa sen còn được sử dụng rất nhiều trong các đền chùa ở Huế-nơi mà phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Người Huế rất trân trọng cây sen bởi ý nghĩa thanh cao của nó. Không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, sen còn là cây trồng giúp người dân ở xứ Huế xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và phát triển kinh tế nông hộ.

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học, góp phần xây dựng bộ dữ liệu về kiểu hình của 6 giống sen. Có thể căn cứ vào các đặc điểm hình thái định tính như kích cỡ cây, màu sắc lá mới, hình dạng và màu sắc nụ hoa, cánh hoa, hình dạng gương sen, sự phân bố hạt trên gương sen, hình dạng hạt, màu sắc tố bên trong vỏ hạt… để làm khóa phân loại nhanh các giống sen ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sự khác nhau giữa các giống sen còn thể hiện ở các tính trạng số lượng của thân, lá, hoa, cánh hoa, nhị và bao phấn, gương và hạt, đặc biệt giống sen cao sản biểu hiện nhiều đặc điểm sai khác có ý nghĩa thống kê so với các giống sen địa phương như chiều cao cuống lá dù, đường kính cuống lá dù, số cánh hoa, đường kính hoa nở… Qua đó, có thể thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa các giống sen trắng với các giống sen hồng, giữa các giống sen hồng Huế với sen hồng cao sản. Riêng hai giống sen trắng trẹt lồi và trẹt lõm có nhiều đặc điểm hình thái bên ngoài tương đồng nhau, do đó chủ yếu dựa vào đặc điểm gương sen lồi hay lõm, kích cỡ cây, hình dạng nụ hoa để phân biệt hai giống này.

Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn số 13/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài