Đánh giá ảnh hưởng của phân bón và mật độ cấy đến sinh trưởng và phát triển của giống lúa thuần ĐH12
Nghiên cứu do các tác giả Tạ Hông Lĩnh, Trịnh Khắc Quang – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Chu Đức Hà – Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện.
Lúa gạo là một trong những đối tượng cây trồng được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Với mục đích tăng cường giá trị hàng hóa của mặt hàng nông sản này, nhiều chương trình chọn tạo đã chú trọng cũng cố và tăng cường năng suất và chất lượng của giống, từ đó bổ sung cho cơ cấu giống chủ lực trong cả nước. Đây được đánh giá là bước đi đúng đắn hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững và khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam.
Gần đây, nỗ lực của các nhà khoa học đã được ghi nhận trong việc phát triển nhiều giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao và đưa ra phục vụ sản xuất tại các tỉnh phía Bắc. trong đó, giống lúa thuần ĐH12 do viện nghiên cứu và phát triển cây trồng thuộc học viện Nông nghiệp Việt Nam chon tạo được đánh giá là giống có đặc điểm nông sinh học tốt, tiềm năng năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các công thức phân bón và mật độ cấy đến khả năng sinh trưởng của giống lúa thuần ĐH12 tại các vùng sinh thái khác nhau. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp những thông tin quan trọng nhằm đưa giống lúa thuần ĐH12 ra sản xuất đại trà tại các tỉnh phía Bắc.
Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của mức phân bón và mật độ cấy đến quá trình sinh trưởng và phát triển của giống lúa thuần ngắn ngày ĐH12 đã được đánh giá vào vụ xuân 2018 tại 3 vùng sinh thái đại diện cho các tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy, giống lúa ĐH12 có thể sinh trưởng tối ưu trong điều kiện vụ xuân tại đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ với mức phân bón 110 N + 110 P2O + 82,5 K2O kg/ha và mật độ cấy 40 khóm/m2 . Với mức bón này, năng suất thực thu của giống trong vụ xuân có thể đạt 7,91 tấn/ha (đồng bằng sông Hồng) và 7,53 tấn/ha (Bắc Trung bộ). Trong khi đó, giống ĐH12 có thể được thâm canh tối ưu tại vùng trung du miền núi phía Bắc (năng suất thực thu đạt 8,12 tấn/ha) ở mức bón 130 N + 130 P2O + 97,5 K2O kg/ha kết hợp cấy 45 khóm/m2 . Trong các công thức đánh giá, giống ĐH12 đều thể hiện tính kháng sâu bệnh khá. Tuy nhiên, cần chú ý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý khi tăng mức phân bón và mật độ cấy.
Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn số 13/2019