SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong bồi dưỡng giáo viên: Kinh nghiệm thực tế tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ

[26/08/2019 10:06]

Nghiên cứu do các tác giả: Bùi Lê Diễm, Nguyễn Văn Nở, Hồ Thị Thu Hồ, Trần Trung Tính - Trường Đại học Cần Thơ và Bùi Lê Diễm Trang - Trường Đại học An Giang thực hiện.

Trang OKMindmap với giao diện tiếng Việt

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục" là một trong các nhiệm vụ đã nêu trong Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2017 - 2018 được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành vào ngày 08 tháng 08 năm 2017. Chỉ thị đề cập “Áp dụng mạnh mẽ phương pháp học trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning) để tạo thuận lợi cho nhiều người học tập, nâng cao chất lượng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Để đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiệu quả nhất đến trường học, các công cụ sử dụng đơn giản, dễ dùng được chọn sử dụng. WebQuest thiết kế với OKMindmap là một mô hình mới được nêu ra trong bài báo này có thể đáp ứng được yêu cầu trên. Để thực hiện bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả, một máy chủ với tên miền là http://webquest.ctu.edu.vn/ được thiết lập. Bên cạnh đó, bộ công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến miễn phí được đề nghị sử dụng bao gồm: Bộ các ứng dụng của Google dành cho giáo dục: G Suite for Education; Dịch vụ OKMindmap hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy trực tuyến; Phần mềm Scratch dùng để thiết kế trò chơi, hoạt hình, bài giảng, phần mềm giáo dục. Scratch còn là cộng đồng hỗ trợ dạy học lập trình máy tính nổi tiếng thế giới hiện nay; Mạng xã hội Facebook; Hệ thống LMS (learning management system) mã nguồn mở Moodle thực hiện.

Qua thực nghiệm, việc ứng dụng ICT để bồi dưỡng giáo viên giúp xây dựng một mạng lưới kết nối và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn giữa đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ở trường đại học, đội ngũ giảng viên sư phạm với đội ngũ giáo viên ở các trường phổ thông rất tiện lợi và ít tốn kém. Giáo viên được cử đi tập huấn biết được các công cụ dạy học hiện đại này, và sau đó về triển khai lại cho giáo viên và học sinh trường mình. Với việc phát triển nhanh chóng hạ tầng mạng Internet và sự phổ biến của điện thoại thông minh, việc ứng dụng ICT để bồi dưỡng giáo viên là nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Nghiên cứu này đề xuất một số công cụ và phương tiện dạy học nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để nâng cao hiệu quả trong đổi mới phương pháp đào tạo. Trong đó, WebQuest là một phương pháp dạy học hiện đại, được xây dựng trên cơ sở phương tiện dạy học mới là công nghệ thông tin và Internet thông qua các công cụ trực tuyến, miễn phí, đơn giản và dễ dùng như bộ G Suite cho giáo dục của Google, OKMindmap, Scratch, Moodle và Facebook. WebQuest dùng làm phương pháp dạy học pha trộn (blended learning) để phục vụ nhu cầu cải cách giáo dục từ kiểu truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép sang phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án nhằm khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo và tính tích cực chủ động của người học. Kết quả thực nghiệm tại Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ cho thấy sự phản hổi tích cực từ người học. Điều này phần nào phản ánh hiệu quả của phương pháp dạy học WebQuest này trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên. 

Sở KH&CN TP Cần Thơ (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài