Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm tại vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thùy Trang - Nghiên cứu sinh Khoa kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, Huỳnh Việt Khải - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ và Võ Hồng Tú - Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, và cùng với Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL có nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (Nghị quyết 63/NQ-CP, 2009). Theo số liệu của Tổng cục thống kê (2016), ĐBSCL đóng góp hơn 56% tổng sản lượng lúa, 90% sản lượng lúa gạo cho xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 18% tổng số lượng gia cầm, 56% tổng sản lượng thủy sản. Với tổng diện tích trên 4 triệu ha, ĐBSCL chiếm 12% diện tích cả nước, khoảng 20% dân số và đóng góp khoảng 18,5% GDP cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều vấn đề lớn cần quan tâm như tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, mức độ thâm canh ngày càng cao làm cho độ màu mỡ của đất giảm do thời gian dài thâm dụng, chuyển đổi tự phát các mô hình và hệ thống sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông hộ và cộng đồng... Từ những thực tiễn trên, Chính phủ đã ban hành quyết định số 899/QĐ-TTg về “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” ngày 10/6/2013. Nội dung chính của đề án xoay quanh vấn đề chính lựa chọn mô hình sản xuất hiệu quả để thực hiện tái cấu trúc và góp phần nâng cao giá trị gia tăng để phát triển kinh tế nông thôn.
Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiệm trọng (Wassmann et al., 2004; Carew-Reid, 2008) và sự bất ổn định về thị trường, giá bán thấp trong khi giá vật tư tăng cao làm cho việc thay đổi mô hình sản xuất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, diễn ra như là một hiện tượng tất yếu. Gần đây, nhiều nông dân trồng mía ở khu vực ven biển ĐBSCL – nơi bị ảnh hưởng nhiều của xâm nhập mặn, đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm, phần lớn là tôm thẻ chân trắng do sản xuất mía bị ảnh hưởng mặn và giá mía nguyên liệu thấp trước áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu trong khu vực. Theo báo cáo của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (2015), tổng diện tích tôm nước lợ khu vực ĐBSCL tăng khoảng 1%/năm về diện tích và tăng đến 7,4%/năm về sản lượng trong giai đoạn 2005 – 2014. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng (2017) tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh tăng đáng kể trong giai đoạn từ 2012 đến nay, cụ thể là từ 40,5 ngàn ha trong năm 2012 lên đến 110,9 ngàn ha trong năm 2016, tăng khoảng 2,73 lần. Về cơ cấu nuôi tôm thì trong năm 2012, tôm thẻ chân trắng chỉ chiếm 42,9% trong tổng diện tích, tuy nhiên, con số này đã tăng lên đến hơn 83,9% trong năm 2016, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng lên khoảng 5,36 lần trong giai đoạn 2012-2016. Cũng theo kết quả thống kê Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng (2016), diện tích mía toàn tỉnh biến động theo xu hướng giảm, cụ thể từ 13,9 ngàn ha vào năm 2010 chỉ còn 10,5 ngàn ha trong năm 2015, với tốc độ giảm trung bình là 5,5%/năm. Quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất này yêu cầu đầu tư cao và sự chuẩn bị tốt về kỹ thuật sản xuất, do vậy rủi ro xảy ra trong quá trình chuyển đổi cũng rất cao.
Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiên cứu nào về hiệu quả kinh tế của mô hình tôm được chuyển đổi từ mía. Do vậy, nghiên cứu về hiệu quả kinh tế và rủi ro của mô hình tôm là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Kết quả nghiên cứu là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế sản xuất địa phương và thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp vùng ven biển đang diễn ra như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cụ thể từ mía sang mô hình chuyên tôm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp 90 nông hộ nuôi tôm đã chuyển đổi từ mô hình trồng mía tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, cụ thể phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi này nhằm cung cấp minh chứng cho các nhà hoạch định chính sách. Kết quả nghiên cứu về thực trạng nuôi tôm của nông hộ cho thấy lợi nhuận trung bình đạt 452 triệu đồng/ha/vụ và có sự dao động lớn giữa các nông hộ do rủi ro trong quá trình sản xuất. Hiệu suất kinh tế theo quy mô của nông hộ nuôi tôm là tăng dần. Hiệu quả kinh tế trung bình của nông hộ nuôi tôm là 80,82% và có sự biến động lớn giữa các hộ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chi phí mất đi do không đạt hiệu quả về kinh tế hay nói cách khác là chi phí mà nông hộ nuôi tôm có thể giảm trung bình là 102 triệu đồng/ha/vụ.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, tập 54, số 7, phần D (lntrang)