SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lượng giá rủi ro sức khỏe do sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long: Phương pháp thực nghiệm lựa chọn

[26/08/2019 14:40]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Phương Duy, Tống Yên Đan và Vũ Thùy Dương - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Bản đồ vùng nghiên cứu

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính thiệt hại hàng năm do sâu bệnh gây ra mất trung bình khoảng 20% – 40% tổng sản lượng lương thực toàn cầu (FAO, 2017). Theo đó, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dần trở thành một phương án hiệu quả trong công tác phòng chống sâu bệnh hại và bảo quản nông sản. Mỗi năm có hơn 2,36 tỷ kg thuốc BVTV được sử dụng trên toàn thế giới và hơn 85% trong số đó là dùng trong nông nghiệp (Grube et al., 2011).

Mặc dù việc sử dụng thuốc trừ sâu đã góp phần làm tăng đáng kể sản lượng nông sản thông qua việc giảm lượng sâu bệnh hại, đóng góp rất lớn vào việc gia tăng năng suất và quá trình tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ sâu tăng lên rất đáng kể đã đặt ra những mối đe doa nghiêm trọng và những tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khoẻ con người, đặc biệt là nông dân (Damalas, 2009). Có khoảng 1,3 tỷ người lao động đang làm việc trong ngành sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới và 80% trong số đó là ở châu Á (Rice, 2010). Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng một triệu trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu xảy ra hàng năm trên thế giới; đặc biệt 99% số trường hợp tử vong liên quan đến thuốc trừ sâu là tại các nước đang phát triển (Gunnell and Eddleston, 2003), mặc dù các nước này chỉ chiếm từ 20% đến 30% việc sử dụng thuốc trừ sâu trên toàn thế giới (Wesseling et al., 1997).

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về vấn đề lạm dụng và dư lượng thuốc trừ sâu trong nền sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng thuốc trừ sâu không đúng cách của nông dân địa phương như: sử dụng liều lượng cao, pha trộn sai hướng dẫn và khoảng thời gian phun trước khi thu hoạch. Điều này đã góp phần làm cho những mối quan tâm không chỉ về môi trường mà cả vấn đề về sức khỏe con người dần trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD, 2017), giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong tháng 12/2017 đạt 111 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên  liệu trong cả năm 2017 lên 989 triệu USD, tăng 36,40% so với cùng kỳ năm 2016. Những con số đáng báo động trên cũng phần nào cho thấy việc sử dụng và lạm dụng thuốc trừ sâu ở Việt Nam đang trở thành mối đe dọa rất lớn đến môi trường và sức khoẻ của người nông dân. Bên cạnh những chi phí trực tiếp từ việc nhập khẩu thuốc trừ sâu từ nước ngoài khá lớn, thì chi phí gián tiếp lại lớn hơn rất nhiều (những chi phí xã hội – môi trường liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu, mất đi những cơ hội xuất khẩu nông sản vì dư lượng thuốc trừ sâu, năng suất canh tác không ổn định và những tổn thương của cả hệ sinh thái nông nghiệp).

Mặc dù biết chi phí xã hội của thuốc trừ sâu là khá lớn, Wilson and Tisdell (2001) lập luận rằng nông dân ở các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng thuốc trừ sâu với số lượng ngày càng tăng do một số nguyên nhân như sau: sự thiếu hiểu biết về tính bền vững trong việc sử dụng thuốc trừ sâu; thiếu những lựa chọn thay thế cho thuốc trừ sâu; đánh giá quá thấp các chi phí sử dụng thuốc trừ sâu cả trong ngắn hạn và dài hạn; việc thực thi pháp luật và các quy định còn yếu kém và hạn chế. Do đó, việc bảo vệ sức khoẻ con người do tiếp xúc với thuốc trừ sâu thông qua các chính sách bắt buộc vẫn là mục tiêu then chốt.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), việc sử dụng và quản lý thuốc BVTV đã bắt đầu là một mối quan tâm lớn trong quá trình phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tong (2016) đã chỉ ra một minh chứng rõ ràng cho thấy việc sử dụng thuốc BVTV tại khu vực ĐBSCL là rất cao. Theo đó, tỷ lệ sử dụng thuốc trừ sâu trung bình tại khu vực này là 2,44 kg/ha, gấp 1,9 lần so với nước láng giềng Thái Lan (1,3 kg/ha). Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, trong máu của 35% nông dân Việt Nam được xét nghiệm đã phát hiện bị ngộ độc cấp tính và 21% được chẩn đoán là ngộ độc mãn tính (Dasgupta et al., 2005).

Xuất phát từ những thực tiễn trên, việc đánh giá rủi ro sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu của người nông dân là rất cần thiết. Để đạt được mục tiêu này, nghiên cứu được tiến hành thông qua việc kiểm tra sự ảnh hưởng của các thông tin rủi ro về sức khỏe lên việc tự đánh giá của người nông dân địa phương bằng phương pháp thực nghiệm lựa chọn.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thực nghiệm lựa chọn để lượng  giá những thay đổi trong việc tự đánh giá của người nông dân đối với rủi ro sức khỏe liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp. Một cuộc khảo sát được tiến hành trên 90 hộ nông dân canh tác lúa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Các thuộc tính trong nghiên cứu bao gồm: (i) thông tin về hậu quả về sức khỏe, (ii) mức rủi ro ban đầu, (iii) quy mô giảm rủi ro và (iv) chi phí sản xuất tăng thêm hàng năm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng ước lượng mức sẵn lòng chi trả của người dân đối với việc giảm rủi ro sức khỏe do việc sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác. Kết quả chỉ ra rằng, tất cả các thuộc tính được đưa vào xem xét trong nghiên cứu này đều có ý nghĩa trong việc đánh giá rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu của nông dân địa phương. Đặc biệt, nông dân địa phương sẵn sàng chi trả thêm vào chi phí sản xuất hàng năm của gia đình ở mức cao hơn để có thể giảm đi những rủi ro về sức khỏe của bản thân.

Từ kết quả ước lượng của mô hình Clogit cho thấy được người nông dân địa phương có một mối quan tâm lớn hơn khi thông tin hậu quả là bệnh ung thư và thông tin mức độ rủi ro ban đầu cao (tức là nguy cơ họ bị nhiễm bệnh cao hơn) sẽ khiến họ  quan tâm nhiều hơn đến việc chi trả để làm giảm nguy cơ rủi ro sức khỏe. Do đó, nghiên cứu đề xuất cho những hoạt động tuyên truyền của các tổ chức nên gắn với thực tiễn tại địa phương, chủ yếu lấy hai yếu tố là hậu quả liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu và mức độ rủi ro ban đầu ở mức cao để làm trọng tâm của hoạt động tuyền truyền. Cụ thể hơn, việc thiết kế các bản tin truyền hình, hình ảnh tuyên truyền nên ưu tiên đưa thông tin của hai yếu tố này làm trọng tâm. Điều này sẽ giúp hoạt động tuyên truyền có chiều sâu hơn và đạt được hiệu quả định hướng hành vi của người dân tốt hơn. Chúng tôi cũng đề xuất việc mở rộng quy mô nghiên cứu này ở cấp lớn hơn trong tương lai.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần D (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài