Yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn của nông dân ở tỉnh Trà Vinh
Nghiên cứu do các tác giả: Hồng Minh Hoàng, Nguyễn Hồng Tín - Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ; Lê Thị Huỳnh Như và Văn Phạm Đăng Trí - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Bản đồ khu vực nghiên cứu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở khu vực hạ lưu sông Mekong, đây là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam và được đánh giá bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) (Rasmussen, 2013; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, 2015; Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, 2016). ĐBSCL có 3 tiểu vùng sinh thái dựa vào nguồn nước mặt bao gồm vùng ngập lũ, vùng giữa và vùng ven biển (Trung et al., 2012). Gần đây, hiện tượng nước biển dâng cùng với xâm nhập mặn ngày càng gia tăng dẫn đến thiếu nguồn nước ngọt cho canh tác đã tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân vùng ven biển ĐBSCL (Lê Anh Tuấn, 2012; UNU-WIDER et al., 2012; Tổng cục Thủy lợi, 2016). Ở vùng ven biển ĐBSCL, nước dưới đất (NDĐ) được xác định là nguồn tài nguyên quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và được sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 2014; Hồng Hiếu và Diễm Trang, 2016). Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức và sử dụng lãng phí đã gây ra tác động đáng kể đến sự sụt giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất (Mai Đan, 2016). Trà Vinh là tỉnh ven biển ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng của BĐKH và dấu hiệu nhận biết có thể là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng kết hợp với nắng nóng kéo dài gây ra hiện trạng thiếu nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, 2015). Hiện nay, mực nước dưới đất đang bị sụt giảm đáng kể do sự khai thác quá mức và sử dụng chưa hiệu quả trong việc cung cấp nước tưới cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Trà Vinh (Huỳnh Văn Hiệp và Trần Văn Tỷ, 2012). Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất là nguyên nhân dẫn đến sự sụt lún đất và làm gia tăng sự xâm nhập mặn ở vùng ven biển (Hak et al., 2016).
Ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác nông nghiệp là một trong những giải pháp khả thi để cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và nâng cao hiệu quả sản xuất (Đinh Vũ Thanh và Đoàn Doãn Tuấn, 2007; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, 2016). Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có khả năng tiết kiệm lượng nước đáng kể so với kỹ thuật tưới truyền thống của nông dân, đồng thời đảm bảo sự phân bố đồng đều độ ẩm trong lớp đất canh tác, tạo điều kiện tốt về không khí, nhiệt độ giúp cây trồng tăng khả năng trao đổi chất và quang hợp, từ đó giúp năng suất cây trồng được cải thiện đáng kể (Trần Thái Hùng, 2008; Hồng Minh Hoàng và ctv., 2016). Tuy nhiên, việc áp dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do: Nhận thức của người dân về hiệu quả của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước còn hạn chế; Thiếu các mô hình mẫu (thử nghiệm) gắn với sản xuất thực tiễn của người dân tại địa phương; Vốn đầu tư trong canh tác nông nghiệp của nông dân còn hạn chế; và Cơ chế tài chính khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm còn chưa được quan tâm (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, 2016). Trước tình trạng BĐKH ngày càng diễn ra nghiêm trọng, xâm nhập mặn gia tăng và hạn hán kéo dài thì việc khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm tác động đến nguồn tài nguyên nước là một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay ở các vùng ven biển ĐBSCL. Do vậy, việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận của nông dân trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác tưới tiết kiệm nước là cần thiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các mô hình tưới nước hiệu quả và tiết kiệm vào thực tế ở tỉnh Trà Vinh.
Việc đánh giá và xác định khả năng chấp nhận ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp được nhiều nghiên cứu thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau. Điển hình là nghiên cứu của Nguyễn Duy Cần và Nico Vromant (2009) về đánh giá sự chấp nhận của phương pháp phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD – participatory technology development) trong chuyển giao công nghệ ở ĐBSCL. Nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá là phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu điều tra và thực hiện ở 3 mức độ khác nhau: Lãnh đạo các cơ quan khuyến nông cấp tỉnh/huyện/xã; Cán bộ khuyến nông trực tiếp thực hiện PTD; và Câu lạc bộ khuyến nông và nông dân tham gia dự án. Nghiên cứu đã cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận của phương pháp PTD tuy nhiên còn hạn chế trong khuôn khổ của dự án và chưa mang tính đại diện cao. Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Sơn và ctv. (2010) về việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng hầm ủ biogas của nông dân trong mô hình canh tác vườn – ao – chuồng (VAC) ở vùng nước ngọt ĐBSCL. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê phương sai (Anova) để so sánh các đặc điểm sinh kế của hộ (điều kiện kinh tế - xã hội) giữa các hộ đã và đang sử dụng hầm ủ biogas và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng sử dụng hầm ủ biogas qua phỏng vấn nông dân. Nghiên cứu của Kuehne et al., (2011) về phát triển công cụ đánh giá và dự đoán khả năng áp dụng của sự đổi mới trong nông nghiệp. Nghiên cứu đã phát triển khung lý thuyết đánh giá (ADOPT-Tool) với 4 thành phần chính bao gồm: Khả năng hiểu biết và học hỏi của cộng đồng về sự đổi mới; Lợi ích mang lại cho cộng đồng từ sự đổi mới; Đặc điểm của sự đổi mới và Ưu điểm của sự đổi mới. Mỗi thành phần được định nghĩa và xác định bởi các yếu tố cụ thể trong công cụ đánh giá ADOPT. Dựa theo khung đánh giá của nghiên cứu Kuehne et al. (2011), Tô Lan Phương và ctv. (2016) đã ứng dụng mô hình ADOPT để đánh giá và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận gói kỹ thuật “1 phải - 5 giảm” trong sản xuất lúa ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, một số nghiên cứu sử dụng phương pháp khác để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là nghiên cứu của Hà Vũ Sơn và Dương Ngọc Thành (2014) sử dụng phương pháp phân tích hồi quy nhị phân logistic và phân tích nhân tố (EFA - exploratory factor analysis) thông qua số liệu phỏng vấn từ nông dân để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa của hộ nông dân tại tỉnh Hậu Giang. Nghiên cứu của Chuchird et al. (2017) về đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng các công nghệ tưới tiêu nông nghiệp và lợi ích kinh tế được thực hiện ở tỉnh Chaiyaphum, Thái Lan cho cây lúa. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích thống kê probit (một dạng khác của mô hình hồi qui nhị phân logistic) để đánh giá hiệu quả của kỹ thuật tưới nước và đề xuất kỹ thuật tưới mang lại hiệu quả nhất về kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tại khu vực nghiên cứu.
Nhìn chung, đã có nhiều phương pháp nghiên cứu thực hiện trong việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận và nhân rộng giải pháp kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp; trong đó, tùy thuộc và nội dung, mục tiêu và khu vực nghiên cứu mà các yếu tố ảnh hưởng đầu vào đánh giá là khác nhau. ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng có khoảng 80% dân số sống tập trung ở vùng nông thôn và hoạt động sinh kế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và phần lớn kỹ thuật canh tác áp dụng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống (Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, 2017). Do vậy, nghiên cứu này tập trung vào đối tượng chính là người nông dân để xác định các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước của họ trong canh tác nông nghiệp. Nghiên cứu nhằm góp phần hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong việc phát triển và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước cho hoạt động sản xuất cây trồng cạn ở tỉnh Trà Vinh.
Tưới tiết kiệm nước là một trong những giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm lượng nước sử dụng tưới trong sản xuất nông nghiệp. Việc nâng cao nhận thức của nông dân và mở rộng diện tích canh tác sử dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, đặc biệt ở những vùng ven biển gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước. Nghiên cứu dựa vào khung sinh kế của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) kết hợp với công cụ hồi quy nhị phân logistic để phân tích mối quan hệ định tính giữ biến phụ thuộc và biến độc lập của 05 nguồn vốn sinh kế với nguồn số liệu được thu thập qua phỏng vấn 225 nông dân tại 3 huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Duyên Hải. Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước của nông dân tại khu vực nghiên cứu là nông dân còn hạn chế tiếp cận thông tin liên quan đến hiệu quả của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác ở địa phương. Kết quả nghiên cứu là một thông tin hữu ích để hỗ trợ cho Chính quyền địa phương trong việc phát triển mô hình tưới tiết kiệm nước hoạt động sản xuất cây trồng cạn.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 9-Phần A (lntrang)