SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo Jasmine huyện Châu Phú, tỉnh An Giang

[27/08/2019 19:47]

Đề tài “Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo Jasmine ở huyện Châu Phú tỉnh An Giang” được thực hiện nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, góp phần phát triển ổn định và bền vững chuỗi ngành lúa gạo Jasmine là rất cần thiết.

Toàn tỉnh An Giang có 644,2 nghìn ha được gieo trồng với các giống lúa chủ lực, nếp, IR, OM6976, OM5451, OM4218, Jasmine 85,...An Giang xác định sản xuất lúa gạo là một trong ba ngành hàng chủ lực của tỉnh theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, 2017).

Hiện nay, nông dân chưa quen với phương thức sản xuất có liên kết thị trường. Các liên kết giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp còn ít về quy mô; mối liên kết còn yếu và thiếu bền vững, huy động nội lực của các liên kết còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống thu mua chủ yếu vẫn qua thương lái dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, gây khó khăn cho việc xậy dựng thương hiệu. Công nghệ chế biến chưa thật sự đáp ứng yêu cầu gia công, chế biến sau sản phẩm lúa gạo cho các phân khúc thị trường, nhất là thị trường gạo cao cấp. Việc sản xuất các mặt hàng gia trị gia tăng chưa thể đẩy mạnh, đồng thời các dịch vụ hậu cần sản xuất, vận chuyển chưa liên tục, còn yếu và thiếu đồng bộ, trong khi hạ tầng hệ thống thông tin và năng lực dự đoán, dự báo còn hạn chế. Đồng thời, các nguy cơ từ biến động thị trường lúa gạo quốc tế, chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường tác động đến tình hình thu mua và xuất khẩu lúa gạo An Giang.

Chuỗi giá trị lúa gạo huyện Châu Phú tỉnh An Giang bao gồm 5 tác nhân là nông dân trồng lúa, thương lái, nhà máy xay xát, công ty lương thực và đại lý. Nông dân thực hiện chức năng sản xuất. Chức năng thu gom được thương lái thực hiện và nông dân bán 95,9% tổng sản lượng cho thương lái. Ngoài ra nông dân còn bán cho công ty lương thực với tỷ lệ 4,1%. Chức năng chế biến được cả 2 tác nhân là nhà máy xay xát và công ty lương thực thực hiện. Đại lý là tác nhân thương mại quan trọng, đưa 48,1% tổng sản lượng chuỗi đến thị trường nội địa. Công ty lương thực bán cho đại lý 25,4%, bán cho xuất khẩu chiếm 51,9%.

Giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị nhằm giúp người sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, giải pháp giảm các chi phí đầu vào đến mức thấp nhất có thể là cần thiết. Bên cạnh đó, sản phẩm gạo Jasmine từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng phải qua ít tác nhân nhất và sản phẩm bán ra với giá thành cao nhất, lợi nhuận của mỗi tác nhân tham gia chuỗi là cao nhất. Vì vậy, một số giải pháp được đề xuất để nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo Jasmine huyện Châu Phú, tỉnh An Giang như sau:

Chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ nông hộ vay vốn với lãi suất thấp và thủ tục đơn giản, để nông hộ mua vật tư nông nghiệp với giá hợp lý, hạn chế phụ thuộc vào nhà cung cấp đầu vào để tránh mua những sản phẩm với giá cao và kém chất lượng.

Nông hộ cần chủ động tham gia các khóa tập huấn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, nồng độ, đúng cách, đúng lúc.

Ngành nông nghiệp địa phương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông về sản xuất lúa như chương trình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, chương trình xuống giống đồng loạt né rầy, quản lý dịch hại tổng hợp, bảng so màu lá lúa, công nghệ sinh thái...

Chính quyền địa phương cần có những chính sách tạo điều kiện để mối liên kết 4 nhà ngày càng chặt chẽ và cùng chia sẻ lợi ích với nông dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất tốt các yếu tố đầu vào đến thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra thì doanh nghiệp không thể ký kết hợp đồng liên kết trực tiếp với từng nông dân mà hợp đồng   được ký kết giữa doanh nghiệp với đại diện của nông dân là tổ hợp tác hay hợp tác xã. Để nông hộ có thể tham gia mô hình “cánh đồng lớn” thì điều kiện đầu tiên nông hộ phải là thành viên của tổ hợp tác hay hợp tác xã. Khi nông hộ tham gia vào mô hình “cánh đồng lớn” sẽ giảm được chi phí đầu vào cũng như giảm bớt các khâu trung gian trong việc cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật; giảm chi phí nhờ áp dụng đúng quy trinh kĩ thuật; giảm chi phí nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật; giảm chi phí trong khâu thu hoạch và tiêu thụ.

Nghiên cứu do nhóm tác giả Bùi Văn Thanh, Nguyễn Văn Nhiều Em – Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, trường Đại học Cần Thơ và Nguyễn Bảo Lâm – Sở khoa học và công nghệ An Giang thực hiện.

Tạp chí KH&CN An Giang, Số 02/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài