SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các mức cho ăn khác nhau lên chất lượng nước, tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm sú nuôi kết hợp với rong câu chỉ

[02/09/2019 09:24]

Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng trong hệ thống nuôi kết hợp tôm và rong biển, các hợp chất đạm và lân từ nước thải của tôm nuôi được rong biển hấp thụ, đồng thời rong biển được sử dụng như nguồn thức ăn bổ sung cho tôm.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Marinho-Soriano et al. (2007) đã tìm thấy rong câu (Gracilaria cervicornis) có thể thay thế một phần thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương phẩm. Khảo sát gần đây của Nguyễn Hoàng Vinh và Nguyễn Thị Ngọc Anh (2019) đã tìm thấy loài rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata) phát triển tự nhiên quanh năm trong các ao nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) ở các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau với sản lượng tự nhiên từ 2,13-11,78 tấn rong tươi/ha. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (2017), diện tích nuôi tôm QCCT của các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL năm 2016 là 314.699 ha, trong đó Cà Mau là tỉnh có diện tích lớn nhất (182.124 ha) và kế đến là Bạc Liêu (75.647 ha). Điều này cho thấy tính sẵn có về sinh lượng của loài rong câu này là rất lớn và có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả.

Để xác định được mức cho ăn thích hợp trong nuôi kết hợp tôm sú (P. monodon) – rong câu chỉ (G. tenuistitpitata) cho chất lượng nước tốt và đạt tỉ lệ sống, tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm tối ưu ở điều kiện thí nghiệm, nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ), Nguyễn Hoàng Vinh (Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bạc Liêu ) cùng các cộng sự thực hiện đề tài này.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi kết hợp tôm sú (Penaeus monodon) với rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata) được thực hiện gồm 6 nghiệm thức với 3 lần lặp lại. Tôm nuôi đơn được cho ăn thức ăn viên theo nhu cầu (nghiệm thức đối chứng), và tôm nuôi kết hợp được cho ăn với 5 mức khác nhau: 100%, 75%, 50%, 25% và 0% (không cho ăn) lượng thức ăn của nghiệm thức đối chứng. Tôm sú (khối lượng 1,79 g) được nuôi với mật độ 150 con/m3 và rong câu 1 kg/m3.

Sau 90 ngày nuôi, hàm lượng hợp chất đạm (TAN, NO2 - , NO3 - và TN) và lân (PO4 3- và TP) trong nuôi kết hợp luôn thấp hơn nhiều so với nuôi tôm đơn. Tỉ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và năng suất tôm ở mức cho ăn 50% nhu cầu không khác biệt thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức đối chứng, tương ứng với chi phí thức ăn có thể được giảm 49%. Ngoài ra, tôm luộc chín ở các nghiệm thức nuôi kết hợp có màu đỏ đậm hơn so với tôm nuôi đơn. Thành phần hóa học thịt tôm (độ ẩm, protein, lipid và tro) không bị ảnh hưởng bởi mức cho ăn, ngoại trừ lipid. Kết quả này cho thấy nuôi kết hợp tôm sú-rong câu chỉ với mức cho ăn 50% nhu cầu có thể được xem là tối ưu về hiệu quả sử dụng thức ăn và chất lượng nước được cải thiện.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 3B (2019).

Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ (pcmy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài