SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng gây bệnh của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trên cá điêu hồng

[02/09/2019 10:02]

Bệnh đốm trắng trên nội quan hiện đang là bệnh gây nhiều thiệt hại cho nghề nuôi cá nước ngọt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Bệnh còn được gọi là bệnh gan thận mủ hay bệnh mủ ở gan thận được phát hiện đầu tiên ở cá tra nuôi ở ĐBSCL vào cuối năm 1998.

Ảnh minh họa

Khoảng từ cuối năm 2015, cá điêu hồng (Oreochromis sp.) giai đoạn ương giống và giai đoạn nuôi thương phẩm trong bè ở một số nơi thuộc ĐBSCL xuất hiện dấu hiệu bệnh lý của bệnh đốm trắng trên nội quan giống như ở cá tra và cá lóc nên người nuôi cá điêu hồng cũng gọi là bệnh mủ gan. Tuy nhiên, do tác nhân gây bệnh khác nhau tùy loài vật chủ nên việc xác định tác nhân gây bệnh ở cá không thể chỉ dựa vào dấu hiệu bệnh lý mà phải kết hợp với những xét nghiệm đặc hiệu thì mới có thể xác định chính xác tác nhân gây bệnh và có biện pháp phòng trị hợp lý. Nhóm nghiên cứu Nguyễn Trọng Nghĩa và Đặng Thị Hoàng Oanh (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) đã tiến hành nghiên cứu để xác định khả năng gây bệnh và độc lực của vi khuẩn E. ictaluri trên cá điêu hồng nhằm cung cấp thông tin cho việc phòng và trị bệnh ở cá điêu hồng có hiệu quả tốt hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng có 22 chủng vi khuẩn phân lập được từ 25 mẫu cá điêu hồng (Oreochromis sp.) bệnh được thu từ ao ương giống và trong bè nuôi thương phẩm ở hai tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long. Dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của cá bệnh là có nhiều đốm trắng trên thận và tỳ tạng. Các chủng vi khuẩn được định danh là E. ictaluri dựa trên những đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hóa, kit API 20E và PCR với cặp mồi đặc hiệu của E. ictaluri. Kết quả phân tích mô học ghi nhận những đặc điểm mô bệnh học điển hình của các đốm trắng trong nội quan ở một số loài cá bị nhiễm vi khuẩn bao gồm các vùng hoại tử, biến đổi cấu trúc mô, hình thành u hạt và xuất huyết trên thận và tỳ tạng. Thí nghiệm cảm nhiễm bằng phương pháp tiêm cho thấy các chủng E. ictaluri phân lập được có khả năng gây bệnh đốm trắng trên nội quan trên cá điêu hồng với dấu hiệu bệnh lý giống như cá bệnh được thu trong bè là thận và tỳ tạng có nhiều đốm trắng. Giá trị LD50 được xác định khoảng 4,7 x 103 CFU/ml.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 3B (2019).

Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ (pcmy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài