SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu bổ sung nguồn carbon ở các giai đoạn khác nhau trong ương ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc

[02/09/2019 10:31]

Ở Việt Nam, tôm càng xanh đang dần trở thành đối tượng nuôi chính tại vùng nước lợ Đồng Bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với nghề nuôi tôm hiện nay là thiếu tôm giống và chất lượng giống không đảm bảo.

Ảnh minh họa

Để tìm được giải pháp cho nghề sản xuất giống tôm càng xanh theo hướng an toàn sinh học thì việc ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm càng xanh để tạo ra con giống chất lượng cao phục vụ cho nghề nuôi là rất cần thiết. Hiện nay có các công trình ương giống tôm càng xanh theo công nghệ biofloc  bổ sung nguồn carbon bằng bột gạo trong ương ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc cho kết quả tốt. Nghiên cứu của Phạm Văn Đầy (2018) đã xác định được ương ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc ở mật độ 60 con/L là tốt nhất.

Để nâng cao tỷ lệ sống và tăng trưởng của hậu ấu trùng tôm càng xanh thì việc xác định thời điểm bổ sung nguồn carbon trong ương nuôi ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc là rất quan trọng và cần được thực hiện nhằm góp phần hoàn thiện quy trình ương nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao. Do đó, nhằm xác định giai đoạn ấu trùng thích hợp để bổ sung carbon cho sự phát triển và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) nhóm tác giả Trần Ngọc Hải, Trần Thị Thanh Hiền (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) cùng các cộng sự đã cùng thực hiện nghiên cứu này.

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức bổ sung carbon ở các giai đoạn ấu trùng tôm khác nhau là giai đoạn 2, 4, 6 và 8, mật độ 60 con/L, bể ương có thể tích 500 lít, nguồn carbon là bột gạo, tỷ lệ C:N = 15:1, độ mặn 12‰. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 35 ngày ương, tôm ở nghiệm thức bổ sung nguồn carbon ở giai đoạn 6 cho kết quả tăng trưởng chiều dài PL-15 cao nhất (10,10±0,20 mm). Từ đó nhóm tác giả đã đề xuất, ứng dụng bổ sung nguồn carbon từ giai đoạn 6 của ấu trùng tôm càng xanh để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để xây dựng qui trình sản xuất giống tôm càng xanh theo công nghệ biofloc.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 3B (2019).

Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ (pcmy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài