SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tuyển chọn các dòng lúa thơm chống chịu phèn tại Mộc Hóa và Kiến Tường, tỉnh Long An

[02/09/2019 11:02]

Chọn tạo các giống lúa mới thích ứng phèn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lúa tại các vùng đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhất là đối với các vùng phèn như Đồng Tháp Mười với diện tích gần 500,000 ha. Vùng đất này trước đây canh tác chủ yếu là các giống lúa mùa năng suất thấp, bị quang kỳ.

Ảnh minh họa

Một số nghiên cứu gần đây với dấu chỉ thị phân tử (marker assisted selection - MAS) đã chọn ra được nhiều giống phù hợp cho canh tác trên đất phèn như AS996, MTL877, MTL847 MTL851, MTL862, MTL864, MTL874, MTL876 (Lê Xuân Thái, 2008); các giống cao sản ngắn ngày như OM 4900, OM 4218, OM 6976… được Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tuyển chọn (Nguyễn Thạch Cân và Nguyễn Thị Lang, 2004) hay giống Nàng Hoa 9 lai giữa giống mẹ Jasmine 85 và bố là AS 996 đang chiếm diện tích lớn trong vùng. Các giống đều chống chịu phèn tốt, cho năng suất từ 5-7 tấn/ha. Tuy nhiên, sử dụng các giống lúa mùa phá quang kỳ, có chất lượng cao ít được đề cập. Bằng việc xử lý đột biến theo phương pháp sốc nhiệt trên giống lúa thơm truyền thống Nàng Thơm Chợ Đào có nguồn gốc từ huyện Cần Đước, Long An (vùng nhiễm phèn, mặn), đến thế hệ M4 chọn ra được 7 dòng lúa thơm đã phá quang kỳ, có khả năng chịu được điều kiện phèn qua thử nghiệm trong dung dịch dinh dưỡng có bổ sung phèn ở các nồng độ khác nhau. Áp dụng quy phạm khảo sát giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa, kết hợp với ghi nhận các chỉ tiêu về sinh trưởng và chất lượng ở 2 vùng khảo nghiệm Tân Thành, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, Long An qua 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, nghiên cứu “Tuyển chọn các dòng lúa thơm chống chịu phèn” được nhóm tác giả Nguyễn Phúc Hảo (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ ) và Võ Công Thành (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện với mục tiêu tuyển chọn dòng lúa chất lượng cao chịu phèn bổ sung vào nguồn vật liệu canh tác ở vùng phèn.

Để khai thác hiệu quả vùng đất phèn Đồng Tháp Mười với diện tích gần 500,000 ha để có thể sản xuất lúa chất lượng cao, nghiên cứu này được thực hiện để chọn ra dòng lúa thơm thích nghi nhất. Nhóm tác giả đã sử dụng 7 dòng lúa Nàng Thơm Chợ Đào đột biến đã phá quang kỳ làm vật liệu khảo nghiệm 2 vụ Đông Xuân 2016 – 2017; vụ Hè Thu 2017 với điều kiện đất phèn ở xã Tân Thành, Mộc Hóa và Thị Xã Kiến Tường, Long An.

Kết quả cho thấy, dòng lúa LA15 và LA16 thể hiện tính chống chịu phèn khi canh tác ngoài đồng (cấp 1 vụ Đông Xuân và 3 ở vụ Hè Thu), gạo thơm, mềm cơm, hàm lượng amylose thấp (LA15 13,26%; LA16 13,07%); hàm lượng protein (LA15 6,62%; LA16 6,35%); năng suất thực tế >6 tấn/ha. Kết quả PCR với các mồi chuyên biệt cho thấy LA15 và LA16 có gen thơm đồng hợp lặn fgr.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 3B (2019).

Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ (pcmy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài