SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mô hình xã hội siêu thông minh 5.0 của Nhật Bản và hàm ý chính sách.

[01/11/2019 15:25]

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, chưa từng có về kinh tế - xã hội và con người. Trên nền tảng của CMCN 4.0 và những thành tựu quản lý hiện đại, các nước phát triển đang tiên phong xây dựng một mô hình xã hội “siêu thông minh” và “siêu hiệu quả” với tên gọi “xã hội 5.0”. Mục tiêu của mô hình xã hội này là vì con người và hướng vào con người, khai thác tốt nhất khía cạnh nhân văn của các thành tựu công nghệ mới. Điều này sẽ là những gợi mở quan trọng cho việc xác định khát vọng và tầm nhìn phát triển cũng như chiến lược “đi tắt, đón đầu” của Việt Nam, tận dụng những cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại để thực hiện thành công xây dựng chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

“Xã hội 5.0” - Chiến lược ứng phó của Nhật Bản trước cuộc CMCN 4.0:

Xây dựng “xã hội 5.0” là chiến lược phát triển hết sức đặc trưng của Nhật Bản, nhằm ứng phó với sự bùng nổ của các thành tựu khoa học công nghệ mới, nhất là tác động của cuộc CMCN 4.0. Tháng 1/2016, Nội các Nhật Bản đã thông qua Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ (KH&CN) lần thứ 5 cho giai đoạn 2016- 2021 với nội dung trọng tâm là xây dựng “xã hội siêu thông minh”, còn gọi là “xã hội 5.0”3. Tháng 3/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giới thiệu và quảng bá mô hình “xã hội 5.0” tại Hội chợ máy tính CeBIT ở thành phố Hannover, Đức. Tháng 6/2017, tại Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 23, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ khát vọng đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên xây dựng thành công “xã hội 5.0”, kỳ vọng rằng việc ứng dụng công nghệ có thể giúp Nhật Bản giải quyết được các thách thức bởi tình trạng già hóa dân số, tác động tiêu cực về mặt xã hội - việc làm của các công nghệ mới và tăng cường tính năng động của nền kinh tế nước này.

Đặc điểm của xã hội 5.0:

  • Lấy con người làm trung tâm

Nếu như các chiến lược hiện nay nhằm ứng phó với cuộc CMCN 4.0 chủ yếu đề cập đến khía cạnh kinh tế và công nghệ (kể cả sáng kiến Công nghiệp 4.0 của Đức), thì “xã hội 5.0” chú trọng cả khía cạnh kinh tế, xã hội, con người và công nghệ.

  • Mang tính nhân văn và bao trùm

Trong xã hội thông tin hiện tại vẫn còn tồn tại những “khoảng cách số” do chênh lệch về trình độ phát triển, việc phổ biến, phổ cập thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các cá nhân và cộng đồng. Do vậy, các quá trình phối hợp trong xã hội và cả nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, quá trình thu thập, trích xuất và phân tích thông tin bị hạn chế bởi vấn đề tuổi tác, học vấn và năng lực. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho các quốc gia trong bối cảnh già hóa dân số. Mục tiêu của “xã hội 5.0” là mang đến cho người dân Nhật Bản một cuộc sống tiện nghi, viên mãn; mọi người đều được tiếp cận và hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất, không phân biệt về tuổi tác, sức khỏe, giới tính, nơi sinh sống, không để một ai bị tụt lại phía sau trong quá trình phát triển.

Một số đề xuất, kiến nghị

Để đặt nền móng cho “xã hội 5.0”, Kế hoạch cơ bản về KH&CN lần thứ 5 của Nhật Bản xác định tập trung phát triển các ngành “công nghiệp kết nối”, gồm hai nhóm công nghệ cơ bản:

1. Nhóm công nghệ nền tảng cho công nghiệp 4.0, gồm: công nghệ cảm biến (đặc biệt là cảm biến quang học), công nghệ cơ khí chế tạo (đặc biệt là công nghệ hạ tầng viễn thông được điều khiển bởi máy tính - CMC), công nghệ robot, công nghệ in 3D (đặc biệt là in 3D trong công nghiệp), công nghệ sinh học, công nghệ.

2. Nhóm công nghệ nền tảng cho dịch vụ xã hội 5.0, gồm: an ninh số, phát triển hệ thống IoT, phân tích dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu nhờ trí tuệ nhân tạo. Nhật Bản cũng xác định nền tảng dịch vụ của “xã hội 5.0” gồm 11 thành phần: 1) giao thông thông minh; 2) sản xuất thông minh; 3) chuỗi cung cấp thực phẩm thông minh; 4) chuỗi cung cấp năng lượng tối ưu; 5) hạ tầng thông tin môi trường toàn cầu; 6) hệ thống bảo trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiệu quả; 7) hệ thống phòng chống thảm họa thiên nhiên; 8) hệ thống chế tạo tiên tiến; 9) hệ thống phát triển vật liệu tổng hợp; 10) hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn diện; và 11) các loại hình dịch vụ thương mại mới.

Việt Nam cần tận dụng lợi thế của người đi sau để phát triển nền “công nghiệp kết nối” thay cho nền công nghiệp truyền thống, trong đó có thể tập trung vào hai nhóm công nghệ như của Nhật Bản.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Minh Hiệp - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN.

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 1+2 năm 2019 (trang 18-21)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ