SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đổi mới sáng tạo từ mô hình nuôi tôm sinh thái ở ĐBSCL.

[01/11/2019 16:23]

Trước yêu cầu đổi mới để phát triển bền vững ngành tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm giảm thiểu xung đột lợi ích sinh thái, đảm bảo thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và lợi ích kinh tế thì sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương trong việc tìm kiếm những mô hình sinh kế tiến bộ sẽ tạo ra những tác động tích cực. Thực tế cho thấy, cách “tiếp cận cộng đồng” là một giải pháp quan trọng trong đổi mới sinh kế và giải quyết xung đột sinh thái.

Thách thức từ xung đột sinh thái:

ĐBSCL được xem là trung tâm thủy sản của cả nước, với đóng góp khoảng 65% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, cung ứng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng.

Những năm gần đây, việc mở rộng diện tích nuôi trồng cùng với sự thay đổi liên tục mô hình canh tác cho thấy dấu hiệu bất ổn về biến đổi môi trường cũng như sự nỗ lực thích ứng của cộng đồng địa phương. Sự thay đổi về chế độ mưa, xuất hiện nhiều diễn biến thời tiết cực đoan không theo quy luật và sụt lún nền đất cùng với xâm nhập mặn thường xuyên đã có những tác động xấu tới các mô hình nuôi tôm luân canh từng được đánh giá là bền vững. Diễn biến thời tiết không theo quy luật như nền nhiệt và biên độ nhiệt ngày đêm gia tăng, khô hạn kéo dài, độ mặn cao… là những tác nhân gây giảm sản lượng và làm bùng phát dịch bệnh ở các vùng nuôi tôm. Thêm vào đó, ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động công nghiệp, đánh bắt và rác thải sinh hoạt… đã tạo ra tác động trực tiếp đến các vùng nuôi luân canh và quảng canh.

Đối với hoạt động nuôi tôm ở ĐBSCL, xung đột sinh thái là xung đột lợi ích giữa các cộng đồng nuôi tôm với nhau và với các hệ sinh thái ngập nước. Các mô hình nuôi tôm truyền thống lẫn mô hình nuôi “siêu thâm canh” đang phát triển ồ ạt hiện nay đều đòi hỏi diện tích mặt nước lớn và quang đãng. Vì vậy, các hộ nuôi tôm thường phải đốn hạ diện tích rừng ngập mặn với quan điểm cho rằng lá cây phân hủy sẽ gây giảm sản lượng tôm. Thêm vào đó, đặc điểm các vùng nuôi tôm thường phải tích trữ nước trong suốt mùa vụ đã khiến các cánh rừng ngập mặn bị suy kiệt bởi đặc tính sinh tồn của hệ sinh thái này gắn chặt với nhịp điệu thủy triều của biển.

Thực tế này đang đặt ra yêu cầu đổi mới tiếp cận trong phát triển ngành tôm ở ĐBSCL để giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích sinh thái, đảm bảo thích ứng tốt với bối cảnh biến đổi môi trường và lợi ích kinh tế. Trong khi chính quyền các tỉnh vẫn đang điều chỉnh các chính sách quản lý hoạt động nuôi tôm thì sự tham gia tích cực từ các tổ chức xã hội dân sự, các viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương trong tìm kiếm những mô hình sinh kế tiến bộ đã tạo những tác động tích cực cũng như mở ra những giải pháp chính sách hữu ích.

“Tiếp cận cộng đồng” và mô hình học tập chuyển đổi:    

Tại Cà Mau, được sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh và Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ), MEF đã cùng các chuyên gia và sinh viên Trường Đại học Cần Thơ triển khai dự án “Flying Cranes Project - Đàn hạc bay” trong năm 2018 tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Địa bàn nghiên cứu là khu vực đặc thù đang phải đối mặt với tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước và xung đột sinh thái. Các khảo sát ban đầu cho thấy, nuôi tôm quảng canh là sinh kế chủ đạo của xã, nhưng năng lực tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất còn rất hạn chế bởi đây là vùng chuyển dịch từ trồng lúa (độc canh 1 vụ) sang nuôi tôm quảng canh từ năm 2000. Nguồn nước được lấy trực tiếp từ sông rạch vào nội đồng đang bị nhiễm bẩn bởi các nhà máy công nghiệp xung quanh. Diện tích rừng ngập mặn cũng thu hẹp đáng kể do nông dân mở rộng diện tích nuôi tôm. Thêm vào đó, nhiều hộ dân có điều kiện kinh tế đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các ao nuôi, chuyển đổi sang mô hình “siêu thâm canh” gây ra nhiều tranh cãi ở địa phương.

Để giúp cộng đồng địa phương ứng phó với thực tế này, dự án “Đàn hạc bay” được thiết kế với 2 hoạt động chính: loạt hội thảo tập huấn cộng đồng và xây dựng cánh đồng mẫu.

Những kết quả bước đầu:

-Gia tăng 35% sản lượng và hiệu quả kinh tế

-Giảm chi phí đầu tư, tăng nguồn thu nhập hàng ngày.

-Tái thiết lập cân bằng sinh thái.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Nguyễn Minh Quang - Trường Đại học Cần Thơ, Courtney Weatherby - Trung tâm Stimson (Mỹ).

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 3 năm 2019 (trang 43-45)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ