Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng xoài tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Tịnh Biên là huyện có diện tích trồng xoài lớn thứ hai của tỉnh An Giang nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ xoài còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nông dân. Do vậy, nhu cầu nghiên cứu về tình hình sản xuất, tiêu thụ cũng như phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân, đặc biệt nông dân là rất cần thiết.

Thực trạng sản xuất và tiêu thụ xoài tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang:
Tại huyện Tịnh Biên, các nông hộ trồng xoài theo hình thức chuyên canh (chiếm 57,14%) và xen canh chiếm (chiếm 33,93%) còn lại là vườn tạp (chiếm 8,93%). Cây xoài thường ra hoa vào tháng 12 đến tháng 1 và thu hoạch tập trung từ tháng 4-5 chính vì thu hoạch tập trung nên giá bán không được cao trong vụ chính nhưng rất cao trong vụ nghịch, đặc biệt là các dịp lễ, tết. Từ thực tế này đã thu hút nhà vườn áp dụng nhiều biện pháp để kích thích ra hoa xoài sớm hay nghịch vụ để có thể bán được giá cao gấp 2-3 lần so với xoài chính vụ.
Xoài ở địa phương chủ yếu dùng để ăn tươi, sản phẩm chế biến từ xoài chưa nhiều. Kênh tiêu thụ chủ yếu của các hộ sản xuất là các thương lái/chủ vựa. Sản lượng xoài của thương lái/chủ vựa trong huyện được bán cho những thương lái, ngườibán lẻ khác tại các chợ trong huyện và thương lái/chủ vựa khác ngoài tỉnh An Giang.
Thị trường tiêu thụ xoài phần lớn được bán cho các thương lái thu mua ở tỉnh khác như thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang và Hà Nội thông qua hình thức bán sô (bán mão, không phân loại).
Ngành xoài có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của người dân huyện Tịnh Biên. Mặc dù, sản xuất và tiêu thụ xoài đang có hiệu quả nhưng vẫn tồn tại các vấn đề chính như quy hoạch sản xuất chưa theo yêu cầu thị trường, chưa ký kết được đầu ra ổn định, hậu cần yếu và thiếu trong khâu bảo quản, chế biến và tồn trữ. Hơn nữa, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân sẽ là hạn chế liên kết tiêu thụ. Xoài Tịnh Biên chưa bao trái và rải vụ nên số lượng và chất lượng xoài chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Để chuỗi giá trị xoài phát triển bền vững trong tương lai cần có chiến lược nâng cấp chuỗi. Chiến lược đầu tư phát triển ngành hàng để có được sản phẩm đủ về số lượng và chất lượng nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường thông qua mối liên kết ngang. Bên cạnh đó, do năng suất trồng xoài của toàn huyện vẫn còn rất thấp do vậy việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất là rất cần thiết trong thời gian tới.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Nguyễn Thùy Trang và Võ Hồng Tú - Khoa phát triển nông thôn trường Đại học Cần Thơ.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 55, số 1D (2019):109-119