Đặc điểm điện tâm đồ ở bệnh nhân suy tim mạn tính có phân suất tống máu thất trái giảm và bảo tồn
Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Thị Oanh - Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Phan Đình Phong - Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.
Ảnh minh họa.
Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, rối loạn chức năng tâm thu thất trái mạn tính là biểu hiện giai đoạn cuối cùng trong hầu hết các bệnh tim. Suy tim có tỷ lệ khoảng 2% toàn bộ dân số và 10% dân số trên 70 tuổi [1]. Trong suy tim bằng chứng cho thấy thay đổi cấu trúc, xơ hóa kẽ, phì đại và thoái hóa tế bào cả cơ nhĩ và cơ thất đồng thời với các thay đổi điện học không thể đảo ngược.
Theo ESC 2016, suy tim phân suất tống máu giảm (HFrEF) khi phân suất tống máu (EF) ≤ 40% và suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) khi EF ≥ 50%, tiêu chuẩn chẩn đoán, tiếp cận điều trị, theo dõi và tiên lượng hai loại suy tim này có những điểm khác nhau. Hiện nay, việc chẩn đoán suy tim dựa vào đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng, NT-proBNP, tiêu chuẩn vàng của siêu âm tim. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng sẵn có đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán và sàng lọc như đã nêu. Điện tâm đồ 12 chuyển đạo (ECG) là một thăm dò đơn giản, hiệu quả trong nhiều bệnh lý tim mạch. Một số nghiên cứu đã chứng minh các thông số ECG có thể giúp phân biệt hai hình thái HFrEF với HFpEF với độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao. Ở các tuyến y tế không sẵn có các xét nghiệm chuyên sâu, điện tâm đồ có thể giúp người thầy thuốc có thể nhanh chóng đưa ra hướng chẩn đoán và xử trí ban đầu thích hợp. Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào phân tích đầy đủ về đặc điểm điện tâm đồ ở bệnh nhân suy tim mạn tính.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm điện tâm đồ và một số yếu tố liên quan đến biến đổi điện tâm đồ ở bệnh nhân suy tim mạn tính có phân suất tống máu thất trái giảm và bảo tồn còn nhịp xoang. Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, gồm 153 bệnh nhân suy tim điều trị nội trú tại Viện tim mạch Việt Nam, được chia thành hai nhóm: suy tim phân suất tống máu thất trái giảm (EF ≤ 40%) và suy tim phân suất tống máu thất trái bảo tồn (EF ≥ 50%). Các thông tin được thu thập bao gồm đặc điểm chung của nhóm bệnh (tuổi, giới, nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng), xét nghiệm máu NT-proBNP, creatinin, điện giải, siêu âm doppler tim, điện tâm đồ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 113 bệnh nhân suy tim phân suất tống máu thất trái giảm (HFrEF) chiếm 84%, 40 bệnh nhân suy tim phân suất tống máu thất trái bảo tồn (HFpEF) chiếm 26%. Các bất thường trên điện tâm đồ bao gồm dày nhĩ trái, dày thất trái, sóng R yếu, block nhánh trái, sóng Q bệnh lý, QRS rộng ≥ 0.12s, QTc kéo dài, thay đổi ST-T, trục điện tim bất thường gặp ở nhóm HFrEF cao hơn nhóm HFpEF có ý nghĩa thống kê. Một số yếu tố liên quan đến các bất thường này như mức độ nặng theo NYHA, nguyên nhân suy tim. Điện tâm đồ có nhiều biến đổi bất thường trên nhóm bệnh nhân HFrEF như dày nhĩ trái, QRS rộng, QTC dài, block nhánh trái, thay đổi ST-T, sóng R yếu. Do vậy cần xem điện tim như một thăm dò ban đầu có ý nghĩa trong chấn đoán suy tim bên cạnh siêu âm tim và xét nghiệm Nt-proBNP.
Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 88/2019 (ctngoc)