SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp: Phát hiện đột biến mới trên gen desmocollin-2 ở bệnh nhân Việt Nam

[16/12/2019 15:30]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Huỳnh Nga, Bùi Chí Bảo, Nguyễn Minh Hiệp, Trịnh Thị Diệu Thường, Phạm Thị Thu Trang, Ngô Hà Phương, Lương Thị Thắm và Hà Thị Thanh Ngà thực hiện.

Ảnh minh họa.

Bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp (arrhythmogenic right ventricular cardiomyopathy - ARVC) hay còn gọi là loạn sản thất phải gây loạn nhịp là bệnh lý cơ tim di truyền, đặc trưng bởi loạn nhịp thất kịch phát và đột tử, do sự thay thế mô cơ tim bằng mô sợi - mỡ, tạo thành bản đồ điện thế bất thường và các loạn nhịp thất. Tần suất của bệnh ARVC là 1:5000 người, trong đó 30 – 50% bệnh nhân có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh. Tỉ lệ bệnh nhân ARVC do đột biến gen chiếm 63%. Trong số các bệnh nhân mang gen đột biến, 86% ca bệnh là do đột biến trên một hoặc đồng thời nhiều gen của các protein ở cầu nối bám (desmosome), bao gồm các gen DSC2, DSG2, DSP, JUP và PKP2. Cầu nối bám hay thể liên kết là những cấu trúc protein kết dính có mặt ở vùng gian bào của các tế bào biểu mô và tế bào cơ tim, giúp các tế bào gắn kết chặt chẽ. Các nghiên cứu phả hệ cho thấy bệnh ARVC được gây ra bởi biến đổi gen ở các protein của cầu nối bám. Hơn nữa, cấu trúc của cầu nối bám ở da có thể phản ánh được bệnh ARVC ở tim. Do đó, bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý đặc trưng ở da cũng là một dấu hiệu lâm sàng cho bệnh ARVC. Giải trình tự Sanger là một kỹ thuật chẩn đoán phân tử chính xác đối với các rối loạn chủ yếu liên quan đến một gen gây bệnh đơn lẻ. Tuy nhiên, phương pháp sàng lọc này rất mất thời gian và cho mức độ không đồng nhất di truyền cao. Cho đến nay, với hơn 100 gen liên quan đến bệnh cơ tim được xác định, có thể được giải quyết hiệu quả hơn bằng cách sắp xếp trình tự thông tin cao, được gọi là giải trình tự thế hệ mới (NGS). Trong đó, kỹ thuật giải trình tự gen toàn bộ vùng mã hóa (WES) là một ứng dụng của công nghệ NGS nhằm xác định các biến thể của tất cả các vùng mã hóa (exome) của các gen mục tiêu theo từng loại bệnh đã biết, giúp sàng lọc, chẩn đoán và đánh giá biến thể.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (NGS) nhằm khảo sát 17 gen liên quan đến bệnh ARVC ở bệnh nhân người Việt Nam thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng chiến lược giải trình tự toàn bộ vùng mã hoá (WES), qua quá trình phân tích và sàng lọc phân tử, xác định được một đột biến sai nghĩa thuộc exon thứ 15 của gen desmocollin-2 (DSC2). Đột biến c.C2497T/p. R833C được xác định nằm trên vùng C-terminal cytoplasmic tail của protein DSC2. Vị trí đột biến này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc của protein DSC2, là nguyên nhân gây bệnh ARVC. Các kết quả nghiên cứu di truyền trên sẽ góp phần vào việc chẩn đoán phân tử và tầm soát bệnh ARVC được triệt để hơn.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 88/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ