SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bóng nước dạng pemphigus do thuốc

[19/12/2019 11:02]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Nguyễn Mai Trang, Phạm Quốc Thảo Trang, Lê Thái Vân Thanh, Văn Thế Trung thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Bóng nước dạng pemphigus (bullous pemphigoid – BP) là bệnh bóng nước tự miễn, cơ chế bệnh sinh phức tạp. Gần đây, trên thế giới đã báo cáo nhiều trường hợp BP do thuốc. Ở Việt Nam, tình trạng quản lý và sử dụng thuốc chưa được chặt chẽ. Nhiều trường hợp bệnh nhân có biểu hiện BP nhưng ít được chú ý tác nhân thuốc.

Cơ chế bệnh lý bóng nước dạng pemphigus do thuốc

Một số giả thuyết về cơ chế BP do thuốc được đề ra. Thuốc chứa nhóm sulfhydryl (thiol) gồm penicillamine, captopril, penicillin, furosemide và cephalosporin… có thể hoạt động như một hapten hoặc trực tiếp gây phân tách bì-thượng bì không qua cơ chế miễn dịch(8). Thuốc có vòng phenol như aspirin và thuốc không chứa phenol, thiol như ức chế men chuyển, NSAIDs, nifedipine, vaccine gây khởi phát BP qua hoạt động như hapten gắn vào protein trong lamina lucida, làm thay đổi đặc tính kháng nguyên hay kích thích đáp ứng tự miễn. Một số thuốc trong nhóm này như penicillamine còn có thể tác động qua cơ chế khác trên tế bào Treg, làm tăng sản xuất tự kháng thể chống kháng nguyên BP qua giảm hoạt động của tế bào ức chế.

Gần đây, có những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi và liên hệ với BP như chất ức chế Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4), thuốc hạ đường huyết thường phối hợp với metformin trong điều trị đái tháo đường, là thụ thể plasminogen trên bề mặt tế bào, có vai trò hoạt hóa plasminogen tạo plasmin(1). Plasmin là men serine protease chính phân tách BP-180 trong vùng NC-16A(2). Thuốc ức chế DPP-4 sẽ ức chế plasmin, làm thay đổi tính sinh kháng nguyên và chức năng của BP-180. Liệu pháp miễn dịch dùng kháng thể đơn dòng chống PD-1 (programmed cell death protein-1) và PD-L1 (programmed death ligand-1) trong điều trị các bệnh lý ác tính nội tạng và huyết học, thường liên hệ với nhiều tác dụng phụ trên da(4) gồm BP. Cơ chế thuốc này gây BP chưa rõ, có thể do tác dụng chống khối u của kháng thể kháng PD1/PD-L1 trên những khối u cũng có biểu hiện BP-180 như melanoma(3), ung thư phổi không phải tế bào nhỏ(6).

Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

BP do thuốc có những điểm tương đồng với thể cổ điển nhưng cũng có một số đặc điểm riêng biệt.

Điều trị

Quản lý ban đầu gồm ngưng thuốc nghi ngờ gây BP khi có thể. Corticoid hệ thống vẫn là phương pháp điều trị chính cho cả BP do thuốc và cổ điển. BP do thuốc sẽ lui nhanh sau ngưng thuốc, đáp ứng nhanh với corticoid và hầu hết các trường hợp không tái phát. Do đó, thường không cần phối hợp tác nhân ức chế miễn dịch khác và tránh dùng dapsone hay sulfapyridine (nhóm thuốc chứa sulfur có thể gây BP). Ngược lại, BP cổ điển vẫn tiến triển kéo dài sau khi ngưng thuốc nghi ngờ, dù đã dùng corticoid. Dạng này cũng tái phát thường xuyên hơn. Lưu ý, điều trị corticoid cho BP liên quan thuốc ức chế DPP-4 có thể gây gây ảnh hưởng đến việc quản lý đái tháo đường. Khi dùng đồng thời corticoid và chất ức chế PD-1/PD-L1 có thể làm giảm hiệu quả điều trị ung thư của thuốc này. Ngoài ra, BP do liệu pháp miễn dịch thường dai dẳng hay kháng với điều trị BP kể cả khi đã ngưng thuốc. Tuy nhiên, khởi đầu điều trị sớm với corticoid uống có thể ngăn việc cần ngưng hay giảm liều của thuốc ức chế PD-1/PD-L1 trong điều trị ung thư theo các báo cáo gần đây. Những nhóm thuốc điều trị đái tháo đường ngoài thuốc ức chế DPP-4 chưa thấy ghi nhận liên hệ BP. Vì vậy, chẩn đoán sớm BP và theo dõi cẩn thận những trường hợp sử dụng thuốc có nguy cơ cao gây BP là quan trọng, giúp quản lý tối ưu cho bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh bóng nước dạng pemphigus là bệnh da nặng, cơ chế bệnh sinh phức tạp. Một trong những tác nhân gây bệnh là thuốc được báo cáo nhiều trong thời gian gần đây. Mặc dù chẩn đoán xác định tác nhân do thuốc cần đòi hỏi nhiều biện pháp, tuy nhiên nếu lưu ý việc bệnh nhân đang sử dụng thuốc nghi ngờ liên quan đến BP thì có thể hữu ích trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Tap chí y học TP HCM, số 1-2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ